Lo lắng hoá đơn tiền điện “tăng chóng mặt” vào mùa cao điểm
Ông Trần Thanh ở xã Xuân Hoà (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2023, ở địa phương không có mưa, nước giếng khoan đào từ năm 2003 chưa năm nào hết nước, nay cạn kiệt. Ông Thanh phải sắm thêm máy bơm, mang nước từ nhà khác về. Tiền điện mỗi tháng cũng tăng thêm khá nhiều.
“Trước đây, mỗi tháng, gia đình tôi chỉ trả khoảng 600.000 đồng tiền điện, nhưng 2 tháng trở lại đây, tiền điện ngốn hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Thời gian tới, dự báo nắng nóng sẽ gay gắt, nhu cầu tiêu thụ điện nhiều thì hoá đơn tiền điện tăng chóng mặt” – ông Thanh nói.
Gia đình bà Trần Thị Nguyệt Nga ở Thạch Thất (Hà Nội) trồng gần 1 mẫu hoa, tất cả đều sử dụng hệ thống tưới tiêu bằng điện. Việc giá điện tăng sẽ khiến cho gia đình bà rơi vào tình trạng tăng chi phí đầu tư, nhưng không có hiệu quả khi mà giá gia liên tục “phập phù”.
“Thông thường, những tháng nắng nóng, tiền điện sẽ tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp hai lần. Đây là điều người dân lo lắng, bởi đang là mùa khô, lượng điện tiêu thụ nhiều, cộng thêm tăng giá sẽ khiến chi phí của gia đình tăng lên” – bà Nga nói.
Với việc tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4.5, nhóm chuyên gia chứng khoán Mirae Asset chỉ ra một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực: Xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy. Trong đó, rõ thấy nhất là sự tác động giá vốn hàng bán một số doanh nghiệp.
Theo ước tính của chuyên gia Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.
Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỉ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Nhóm chuyên gia ước tính, chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 15%, giấy giảm 2%, xi măng giảm 13%, hóa chất giảm 1%.
Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi tăng giá điện
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam – cho rằng, chúng ta đang áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Và đương nhiêu tiền điện sẽ phải trả nhiều hơn.
Mặt khác, những tháng nắng nóng, thông thường tiền điện tiêu thụ thường tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp 2 lần. Do đó, tiền điện tăng mạnh là không tránh khỏi kể cả lúc giá điện chưa tăng. Vì thế, giá điện tăng cao hơn cũng là một áp lực lớn cho người dân vào dịp này.
Ông Thoả cho hay, mức tăng trên sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 1,099%, tác động lan tỏa vòng 2 là 0,18%. Nếu xem xét tác động đến giá thành sản phẩm của những ngành sử dụng nhiều điện thì ngành thép sẽ tăng 0,18%, xi măng 0,45%, dệt may 0,4%…
Song, mức tăng thực tế có như vậy hay không, hay tăng thấp hơn còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của thị trường, của cung cầu và hiệu quả của các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh. “Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn” – ông nói.
Bên cạnh đó, ông Thoả cho rằng, ngoài việc cần có chính sách bình ổn giá thì Nhà nước cũng cần nghiêm túc với việc công khai, minh bạch giá. Trước hết, cần yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá thành sản xuất kinh doanh những mặt hàng Nhà nước định giá để tránh việc “giá điện tăng bao nhiêu thì doanh nghiệp tăng bấy nhiêu”.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiệm việc lợi dụng việc tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng ở chợ dân sinh.