Dân chủ, minh bạch, lắng nghe
“Từ ngày thành lập HTX đến nay, chúng tôi luôn tâm niệm làm việc gì cũng phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết, phải dân chủ, khâu quản lý tài chính phải minh bạch, tạo điều kiện cho thành viên đóng góp ý kiến sau 1 vụ mùa. Từ những góp ý đó mình mới biết chỗ nào được, chỗ nào chưa được mà điều chỉnh” – đó là những bí quyết và định hướng làm việc của ông Nguyễn Hồng Phương – Giám đốc HTX Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chia sẻ.
Với ông Phương, HTX không chỉ là nơi làm việc để tạo ra thu nhập cho ông cùng các thành viên mà còn là tâm huyết và sự trăn trở xây dựng 1 HTX vững mạnh, mang đến lợi ích cao, lâu dài, ổn định cho nông dân.
HTX Nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng là 1 trong những HTX của tỉnh được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động trong thời kỳ đổi mới.
Ông Trần Ngọc Khải – Bí thư Đảng ủy xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng nhận định, HĐQT của HTX đã làm việc rất năng nổ, đoàn kết, linh động đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành đúng hướng của Giám đốc Nguyễn Hồng Phương. HTX đã khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển và hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
“Số hộ khá, giàu trong HTX ngày càng tăng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, tiến bộ. Đây là điểm sáng trong mô hình kinh tế tập thể để ngành nông nghiệp địa phương nhân rộng trong thời gian tới và gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới”, ông Khải nhấn mạnh.
Trồng lúa sạch mang lợi nhuận cao
HTX thành lập vào năm 2015, ban đầu có 54 thành viên với diện tích canh tác lúa 78 ha. Cuối năm 2020, theo chủ trương chung nên 4 HTX liền canh trên địa bàn xã Long Thạnh đã sáp nhập vào HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ. 213 thành viên sản xuất trên diện tích hơn 220 ha bằng các giống lúa chất lượng cao và phương pháp trồng lúa sạch.
Ông Lê Thành Tổng, thành viên HTX, cho biết: Có gì khó khăn thì lãnh đạo HTX cũng như các thành viên khác cùng giúp đỡ nên bây giờ đời sống ai cũng khấm khá”, ông Tổng cho hay.
Năm 2017-2018, HTX đã thử nghiệm giống DS1 với diện tích 20 ha đạt kết quả cao, giống thích nghi với điều kiện đất đai, ít sâu bệnh, chi phí thấp, lợi nhuận tăng 1,5 lần so với trồng 1 số giống lúa khác. Từ đó HTX xác định đây là giống lúa phù hợp, có tiềm năng và mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất. Đến vụ Đông Xuân 2022-2023 diện tích sản xuất giống DS1 của HTX tăng lên 87 ha.
Cùng với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kết quả năng suất lúa DS1 vụ Đông xuân vừa qua đạt bình quân từ 10 đến 12 tấn/ha, lợi nhuận trung bình 71 triệu đồng/ha.
Nhờ hoạt động có hiệu quả, HTX có lãi liên tục 7 năm liền, trích lập được các quỹ, chia lãi, tăng thu nhập cho các thành viên so với các năm trước từ 28 triệu đồng lên 65 triệu đồng/năm.
Trăn trở phát triển HTX
“Vụ lúa Đông xuân 2022-2023, HTX đã mời gọi được 18 công ty, doanh nghiệp tham gia đấu giá thu mua lúa giống DS1. Qua đó đã có công ty trúng thầu với giá 8.800 đồng/kg kèm thương thảo các điều kiện về ngày thu hoạch, phương tiện vận chuyển và phương thức thanh toán. Đây là bước khởi đầu đáng mừng để sản phẩm làm ra của HTX bán số lượng lớn với giá cao, giúp các thành viên nâng cao lợi nhuận”, ông Phương vui mừng chia sẻ, tuy nhiên đó cũng chính là điều trăn trở của ông và HTX.
Ông Phương bộc bạch, tuy nhiên trồng lúa cũng có những lúc bấp bênh như giá thấp, chi phí sản xuất tăng. Chính vì vậy, lâu dài mình phải cố gắng tìm thêm đầu ra cho bà con, làm sao hạn chế thấp nhất tình trạng nông dân mình bị động, lúa bị ép giá, làm sao để nghề nông có 1 vị trí là nghề làm khá làm giàu chứ không còn là 1 nghề cơ cực.