Biến đất hoang thành trang trại quy mô lớn
Thời điểm này, đến trang trại ven sông tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình của ông Phạm Xuân Thủy – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 ở Thái Bình, không ai nghĩ nơi đây từng là cánh đồng bị bỏ hoang, nông dân không mặn mà canh tác, để cỏ mọc quá đầu người. Nhưng với ý chí và kinh nghiệm, năm 2012, từ một tiểu thương kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chứng kiến người dân bỏ không chuồng trại nhiều do việc chăn nuôi khó khăn, ông Thủy đã cùng gia đình tích tụ hơn 1 ha để xây dựng trang trại nuôi gà thương phẩm.
“Tôi chọn khu đất ngay khu vực xóm 2, có vị trí gần với nơi kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình để tiện trông nom, một phần khu vực đó lúc bấy giờ là vùng trũng, bà con bỏ hoang nhiều. Khi mới bắt tay vào, khó khăn vì cánh đồng bỏ hoang đã lâu, đường vào chưa được 1 m nên mọi phương tiện ra vào đều không thuận lợi. Vì thế, việc đầu tiên tôi làm là mở đường, đầu tư bê tông hóa để ra khu vực xây dựng trang trại” – ông Phạm Xuân Thủy cho biết.
Mới đầu, trang trại của ông Thủy chỉ có 3 dãy chuồng, nuôi số lượng khoảng 3 vạn con gà. Đến nay, sau 10 năm làm nghề chăn nuôi, ông Thủy đã có 11 dãy trại nuôi gà, 2 dãy nuôi lợn khép kín. Với tổng diện tích trang trại là 7 ha, trong những năm tới, ông Thủy vẫn mong muốn có thể mở rộng thêm.
Từ những kinh nghiệm xây dựng trại trước, ông Thủy tâm sự: “Những trại sau, tôi áp dụng công nghệ hiện đại hơn trại trước, tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ ổn định quanh khu vực tường bao bên ngoài trại, giúp quy mô chăn nuôi hiện tại đảm bảo tốt hơn”.
Mô hình chăn nuôi hiện đại, thu lãi hàng tỉ đồng/năm
Sau một thời gian tìm hiểu về nguồn giống, thức ăn và nhu cầu thị trường, kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học, ông Thủy tiến hành đổi mới phương thức chăn nuôi đó là áp dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao và hạn chế được rủi ro dịch bệnh.
“Bước đầu, tôi đầu tư xây dựng hệ thống tường bao đảm bảo ngăn chặn sự xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài vào kết hợp với thực hiện phòng chống tốt. Bên trong trang trại, bố trí phòng thay quần áo cho công nhân, hố nước sát trùng trước cổng, sơ đồ chỉ dẫn… Chuồng nuôi được thiết kế theo quy trình khép kín với hệ thống làm lạnh, máng nước tự động, khay để thức ăn,… tất cả được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoáng mát cho đàn gà” – ông Thủy chia sẻ.
Bên cạnh đó, mọi hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện qua hệ thống camera, việc cho ăn được công nghệ hóa, giảm bớt sức người và có hệ thống sổ sách theo dõi quản lý hàng ngày. Chính vì thế, nếu lấp đầy công suất của 11 trại gà, quy mô đàn gà lên đến 180.000 con mùa đông và 130.000 con mùa hè.
Ông Thủy – tiết lộ, kết quả sản xuất kinh doanh qua từng năm cho thấy trang trại của gia đình ông đã hoạt động tốt, mang lại mức thu nhập ổn định cho gia đình khoảng 1,7 tỉ đồng/năm. Tạo việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập hàng tháng bình quân từ 7 triệu – 10 triệu đồng/người.
Nhắc đến ông Phạm Xuân Thủy, ông Nguyễn Phong Đăng – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài nhận định, từ mô hình chăn nuôi gà hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi và cách làm sáng tạo, ông Thủy đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm nay.
“Ở địa phương, ông Thủy không chỉ là nông dân làm kinh tế giỏi mà còn là đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Vũ Đoài, tích cực tham gia hoạt động, đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua và kịp thời động viên, ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để họ được phát triển sản xuất” – ông Đăng nói.