Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu bất động sản
Thị trường có tuần giao dịch tích cực, đặc biệt là thanh khoản có phiên đã vượt qua ngưỡng 1 tỉ USD. Dòng tiền theo đó đã có sự lan tỏa tốt hơn, tuy nhiên, điểm đến ưa thích nhất vẫn là các mã bất động sản vừa và nhỏ, với cái tên QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục là điểm nóng.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu QCG tăng tốc, sau khi tuần trước đó cũng là mã tăng cao nhất sàn với mức tăng gần 40%. Cổ phiếu này đã tăng 5 phiên liên tục với khối lượng giao dịch duy trì mức cao trên mức trung bình 20 ngày cho thấy dòng tiền đang quan tâm đến cổ phiếu này. Tổng cộng, cổ phiếu QCG đã có 11 phiên liên tiếp gần nhất đều tăng kịch trần, sau khi nhận quyết định tương đối có lợi trong vụ tranh chấp dai dẳng với CTCP Đầu tư Sunny Island từ phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Về kết quả kinh doanh, trong quý I năm nay, doanh thu của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đạt gần 166 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp chung của công ty lại chỉ bằng một nửa cùng kỳ với 10%. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 39%, còn hơn 16 tỉ đồng. Mặt khác, một số chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt tăng 55% và 18%, lên 11 tỉ đồng và gần 2 tỉ đồng, càng khiến thành quả của QCG ngày càng bị bào mòn. Hệ quả, QCG chỉ lãi vỏn vẹn hơn 1 tỉ đồng trong quý đầu năm 2023, giảm 91% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của QCG tính tới ngày 31.3 đạt 9.733 tỉ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm tới 73% tổng tài sản với 7.093 tỉ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 68% xuống còn hơn 24 tỉ đồng. Nợ phải trả còn 5.393 tỉ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 5.000 tỉ đồng.
Tương tự, dòng tiền đầu cơ cũng đang nhập cuộc khá tích cực ở một số cổ phiếu bất động sản quy mô nhỏ. Quan sát diễn biến trên thị trường, nhiều cổ phiếu bất động sản có thị giá dưới mệnh giá đã ghi nhận mức tăng chóng mặt.
Cổ phiếu EVG có mức tăng gần 100% trong 1 tháng qua, lên vùng 6.700 đồng/cổ phiếu, kèm theo những phiên khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu. Đáng nói là cổ phiếu này đang bị đưa vào diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022.
Cổ phiếu TDH cũng là điểm nhấn trên thị trường với 8 phiên trần liên tục, đưa giá cổ phiếu tăng 69%. Cổ phiếu này vừa được đưa ra khỏi hạn chế giao dịch kể từ ngày 25.5, nhưng vẫn nằm trong diện cảnh báo do còn lỗ lũy kế đến 31.12.2022 hơn 688 tỉ đồng.
Nhà đầu tư nên tỉnh táo
Trong bối cảnh lãi suất giảm sớm hơn dự kiến và được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, thời điểm xấu nhất có thể đã qua đối với ngành bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn một số trở ngại nhất định, như lãi suất cho vay, chính sách hỗ trợ cần thời gian để thực sự tác động lên thị trường, đặc biệt là tháo gỡ những nút thắt trong quá trình cấp phép dự án. Và điều quan trọng chính là hoạt động mua bán trên thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khả quan, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn về dòng tiền. Rủi ro vỡ nợ vẫn có thể xảy ra với những chủ đầu tư không thể thương lượng được với trái chủ để giãn thời hạn thanh toán hoặc cân đối dòng tiền để trả nợ.
Nhà đầu tư cũng nên tỉnh táo và cần để ý rằng câu chuyện tăng điểm mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian qua không phải đến từ việc hoạt động kinh doanh được cải thiện mà chủ yếu là mang tính chất mạo hiểm của dòng tiền đầu cơ. Việc FOMO, đua mua giá cao có thể dẫn tới nguy cơ thua lỗ kéo dài.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital cho rằng, nếu chọn đầu tư vào nhóm cổ phiếu bất động sản ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên lựa chọn doanh nghiệp có khả năng tồn tại qua đáy, tập trung vào các yếu tố như tình hình tài chính, phân khúc sản phẩm, khả năng phát triển dự án và quỹ đất.
Ở giai đoạn này, nếu đua theo cổ phiếu bất động sản tăng nóng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các ngành khác khi có kích thích kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn, còn bất động sản thì chậm hơn, nên cần thời gian.