Giảm 30-40% tiền điện, quảng cáo “ảo” nhưng mất tiền thật
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng diễn ra khắp các tỉnh thành miền Bắc và một số tỉnh trên cả nước, khiến cho nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như: Tủ lạnh, điều hoà và quạt điện, quạt hơi nước… tăng cao. Vì thế, lượng điện tiêu thụ tại nhiều gia đình cũng tăng lên chóng mặt.
Nắm bắt được tâm lý “vừa rẻ, vừa có lợi” của người dùng, nhiều cá nhân đã quảng cáo, rao bán khắp các trang mạng xã hội, ứng dụng mua sắm… các loại thiết bị tiết kiệm điện có giá “siêu” rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, có công dụng giảm từ 30-45% hóa đơn tiền điện mỗi tháng.
Với chiêu trò “hô biến” hiệu quả của những thiết bị tiết kiệm điện, các chủ shop “ảo” tung ra hàng loạt clip, video, cùng với nhiều tính năng như: Không gian lận công tơ điện, kéo dài tuổi thọ sử dụng các thiết bị điện, dễ sử dụng, đã chứng minh hiệu quả sản phẩm… nhằm “dắt mũi” người mua. Để tạo thêm niềm tin, những chủ shop “ảo” còn cam kết bảo hành, đổi trả hàng như những cửa hàng có uy tín.
Ngoài ra, các chủ shop này còn tạo ra nhiều tài khoản mạng xã hội ảo để vào bình luận tương tác, đặt mua, đánh giá sản phẩm trong các bài quảng cáo… khiến cho nhiều khách hàng dễ dàng “sập bẫy”.
Bạn L.N.Q – sinh viên tại một trường đại học tại Hà Nội cho hay: Thấy thiết bị tiết kiệm điện quảng cáo khắp trên Facebook, Shopee, Lazada, Sendo… với giá rất rẻ, nên em đặt mua về dùng để giảm bớt tiền điện trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên, hiệu quả thì không thấy, chỉ thấy mất tiền, rồi mang thêm “cục tức” vào người.
“Đầu tháng 5 này em có đặt mua một thiết bị tiết kiệm điện với giá khoảng 80.000 đồng trên Shopee, tuy nhiên về dùng thì thấy số điện trên đồng hồ điện ngày càng tăng nên em bỏ không dùng nữa. Sau đó thì em đã đặt mua một loại thiết bị tiết kiệm điện đắt hơn với giá 300.000 đồng. Vì nghĩ “tiền nào của đó” nên em mua thử xem sao, nhưng khi dùng thì vẫn không thấy giảm.
Khi đặt hàng, em chỉ nhắn tin với các chủ shop qua trang mua sắm, họ còn cam kết bảo hành đổi trả đầy đủ. Nhưng khi dùng không hiệu quả, em có gọi số điện thoại trên trang để phản ánh, nhưng đều không liên lạc được, nhắn tin cho shop cũng không thấy trả lời. Lúc này thì em biết là đã mua hàng lởm” – bạn Q. bức xúc cho hay.
Thiết bị “thần thánh” lại khó tìm ở cửa hàng điện
Chỉ cần gõ từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện” tại phần tìm kiếm trên các trang mạng xã hội hay trang mua sắm, người dùng dễ dàng tìm thấy hàng loạt sản phẩm, thiết bị có tên như: Electricity Saving Box, Energy saver… với giá từ vài chục cho đến vài trăm nghìn đồng, cùng với đó là “tràn ngập” những lời “có cánh” để quảng cáo cho sản phẩm này.
Liên hệ với một chủ shop qua số điện thoại 070500633* trên mạng để mua thiết bị “thần thánh” như quảng cáo, một người đàn ông cho biết, giá của thiết bị này là 520.000 đồng, bảo hành 6 tháng, có thể tiết kiệm được 30-40% lượng điện tiêu thụ. Chỉ cần cắm thiết bị vào ổ điện gần công tơ điện là có thể sử dụng được.
Chỉ cần mất vài phút, người dùng đã dễ dàng đặt mua thiết bị “thần thánh” này qua các trang mạng. Tuy nhiên, người dùng phải “đỏ mắt” khi tìm mua sản phẩm này tại các cửa hàng điện. Trong vai khách hàng, chúng tôi tìm đến nhiều cửa hàng điện lớn nhỏ ở phố Yên Hòa, Trung Kính hay Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để mua hàng, tuy nhiên, thứ chúng tôi nhận được lại là những cái “lắc đầu” từ các chủ cửa hàng.
Một chủ cửa hàng điện trên phố Trung Kính cho biết: Tôi thấy quảng cáo nhiều trên mạng với giá rất rẻ nên cũng có xem qua, tuy nhiên các sản phẩm, thiết bị này đều không có bảo hành, nguồn gốc xuất xứ nên tôi không dám nhập về để bán.
“Những loại thiết bị tiết kiệm điện này chỉ có bán trên mạng thôi. Quảng cáo giảm tiền điện đủ kiểu nhưng thật ra không có tác dụng gì, chỉ có tốn điện hơn thôi. Tôi mà lấy cái hàng vớ vẩn, hàng đểu này về bán thì khách hàng quay lưng ngay” – chủ cửa hàng điện trên phố Trung Kính nói.
Khảo sát tại 2 siêu thị điện máy lớn như Pico Xuân Thủy hay Media Mart chi nhánh Mỹ Đình, các sản phẩm “thần thánh” như trên mạng đều không được chào đón bởi những sản phẩm này không có đủ điều kiện như: Chính sách đổi trả, bảo hành hay kiểm chứng chất lượng sản phẩm.
Hiệu quả trong video quảng cáo dễ dàng làm giả
Nói về những thiết bị tiết kiệm điện được bán tràn lan trên mạng với giá “siêu rẻ”, ông Hoàng Đức Long – giảng viên Khoa Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, những thiết bị này có xuất xứ, nguồn gốc không rõ ràng. Về nguyên lý, những thiết bị này không thể làm giảm lượng điện năng tiêu thụ.
“Các thiết bị này thường sẽ gây nhiễu hệ thống đo lường điện, không góp phần tiết kiệm điện trong thực tế, thậm chí còn ngốn thêm một phần điện năng khi sử dụng thiết bị.
Trên thị trường hiện nay, các thiết bị tiết kiệm điện chính thống có giá rất cao, từ vài chục triệu đến cả hàng trăm triệu đồng, thường được dùng trong các nhà máy, xí nghiệp lớn. Các hộ dân không nên sử dụng thiết bị tiết kiệm điện “siêu” rẻ bán tràn lan trên mạng, bởi các thiết bị này chưa có kiểm định, đo lường hay cấp phép” – thầy Long cho hay.
Theo thầy Long, những clip, video quảng cáo trên mạng với nội dung test độ hiệu quả của các thiết bị tiết kiệm điện đều không đáng tin, hoàn toàn có thể làm giả dễ dàng. Vì thiết bị đo trong clip, video quảng cáo đều có thể lập trình sẵn để thay đổi các thông số khi đo.