Theo thông tin từ Công ty Thủy điện Bản Vẽ, đến 9h ngày 10.6, mực nước vùng thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương – Nghệ An) đã về mức 156,47m, cách mực nước chết (155m) là 1,647m. Đây là mức nước thấp hơn 21m so với cùng kỳ năm 2022, dung tích hữu ích còn lại chỉ còn chưa tới 90 triệu m3.
Lưu lượng nước về hồ chỉ còn 31m3/s, thấp đến mức kỷ lục, so với thời điểm này của năm 2022 là 105m3/giây. Đến thời điểm 7h ngày 10.6, nhà máy chỉ xả nước thông qua chạy máy phát điện với lưu lượng 24m3/s.
“Với tình hình này, không rõ có cầm cự được khoảng 3-4 ngày nữa hay không. Đến thời điểm hồ chứa về mực nước chết, Công ty sẽ xả nước thông qua chạy máy phát điện, nước về hồ bao nhiêu thì chạy máy bấy nhiêu” – đại diện Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết.
Trường hợp hồ đã về mực nước chết mà không có nước về bổ sung, đơn vị không thể xả nước chạy máy phát điện vì rủi ro. Trường hợp này, đơn vị chỉ chạy máy trong trường hợp để đảm bảo an ninh năng lượng có tính chất cấp bách.
Thuỷ điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với dung tích hồ chứa trên 1,8 tỉ m3, dung tích hữu ích từ cao trình 155m – 200m là 1,3 tỉ m3 nước. Đây là công trình đa mục tiêu, trong đó ưu tiên cho mục tiêu cắt lũ và chống hạn.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, đã làm cho lượng nước hồ thủy điện Bản Vẽ xuống thấp ở mức kỷ lục, không còn khả năng cấp nước cho vùng hạ du và ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn điện cho địa phương.
Cùng hoàn cảnh, nhà máy thủy điện Hủa Na tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhà máy thuỷ điện Hủa Na có công suất 180MW, lòng hồ thiết kế có dung tích chứa khoảng 400 triệu m3 nước. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa từ đầu mùa rất thấp đã khiến cho lòng hồ thuỷ điện gần ở mực nước chết.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 22 hồ thủy điện, trong đó có 2 hồ chứa lớn nhất là hồ thuỷ điện Bản Vẽ và Hủa Na đang ở cận kề mực nước chết, còn lại 20 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.
Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, hệ thống hồ chứa thuỷ điện ở Nghệ An sẽ gặp nhiều khó khăn, một số nhà máy sẽ phải dừng phát điện, không đáp ứng đủ điện lên hệ thống, đặc biệt là khó khăn cấp nước cho vùng hạ du.
Trong khi đó, theo thông tin từ Công ty điện lực Nghệ An, vào thời điểm nắng nóng, lượng điện tiêu thụ tăng kỷ lục, nhiều địa phương tăng gấp đôi so với thời điểm thời tiết chưa nắng nóng, dẫn đến thiếu điện và quá tải hệ thống, phải cắt điện luân phiên.
Điện lực Nghệ An cho biết nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, các thủy điện giảm hoặc ngừng phát điện thì tình trạng thiếu điện càng gay gắt, khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm.