Giới chức ở Aktau, thủ phủ của vùng Mangystau phía tây Kazakhstan, ngày 8.6 thông báo ban bố tình trạng khẩn cấp về một tình huống mà họ cho là có nguy cơ nghiêm trọng với ngành hàng hải.
Cùng ngày, Bộ trưởng Sinh thái Kazakhstan Zulfia Suleimenova mô tả cuộc khủng hoảng ở Biển Caspi là “khá phức tạp” và cho rằng mực nước ở đây giảm là do mức nước sông Ural và sông Volga giảm.
Lượng nước của những con sông này giảm được xác định là do ít tuyết rơi trong mùa đông, lượng nước tiêu thụ tăng và trữ nước để sử dụng tại các nhà máy thuỷ điện ở đầu nguồn.
Biển Caspi có bờ thuộc 5 quốc gia: Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan. Trong số này, phần của Kazakhstan là nông nhất và là điều khiến các quan chức tại đây phải gióng lên hồi chuông cảnh báo trước tiên.
Ông Suleimenova nói rằng, trong khi các quốc gia ven Biển Caspi khác cũng đã chú ý đến vấn đề mực nước giảm nhưng vẫn chưa có các biện pháp hiệu quả để giải quyết.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp với Biển Caspi đánh dấu một chiến thuật mới cho Kazakhstan. Việc mực nước rút ở phía bờ của Kazakhstan bắt đầu từ năm 2005. Kể từ đó, mực nước đã giảm 1,5 m.
Theo Eurasianet, sự thay đổi trong vấn đề Biển Caspi dường như có ảnh hưởng của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. “Vấn đề giảm mực nước ở Biển Caspi là mối quan tâm lớn. Nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng này cần được nghiên cứu cẩn thận và toàn diện” – Tổng thống Tokayev nêu trong cuộc gặp người dân ở vùng Mangystau vào tháng 11 năm ngoái.