Đề nghị EVN cung cấp thêm nhiều tài liệu
Trong nghị trường Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – đặt vấn đề về việc, tại sao bao nhiêu năm qua, EVN không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, trong khi đó còn phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng.
Ông đề nghị Chính phủ thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt, với thành phần gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Việc thành lập đoàn thanh tra để xem xét, xử lý nghiêm một số vấn đề như xem lại kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2014 về một loạt sai phạm của EVN và việc này cần phải báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét lại; Làm rõ tại sao EVN lại báo lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng và đề nghị tiếp tục tăng giá vào tháng 9 tới đây.
Trước những thắc mắc này, EVN đã có văn bản gửi đến ông Lê Thanh Vân trả lời những thắc mắc của ông tại nghị trường. Doanh nghiệp này giải thích, số tiền mà các công ty con gửi ngân hàng được dùng để thanh toán trả nợ cho nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ vào đầu tháng sau theo hợp đồng đã ký kết, để đầu tư hệ thống phân phối – bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
EVN cho rằng, đang phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện và giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với giá điện bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối – bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Lao Động, ông Lê Thanh Vân cho biết, phần phản hồi của EVN về những thắc mắc của ông tại nghị trường còn rất sơ sài. Ông đã có văn bản gửi đến tập đoàn này đề nghị cung cấp thêm các thông tin, tài liệu về tài chính để có cơ sở đánh giá, nghiên cứu.
Trong đó, ông yêu cầu cung cấp các tài liệu như báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2022 và kiểm toán độc lập; chi tiết các tài khoản về chi phí tài chính, sản xuất, kinh doanh điện, chi tiết cơ sở tính giá thành sản xuất điện, cung cấp sao kê tài khoản của EVN.
Trả lời câu hỏi về việc để thiếu điện ngoài trách nhiệm của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn có trách nhiệm của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vì cơ quan này đang quản lý những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện như EVN, PVN. Ông Vân cho rằng, “điều này cần được thanh tra làm rõ”.
“Nếu năm 2023, 2024 tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm của EVN là rất lớn”
Trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, nếu năm 2023, 2024 tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm của EVN là rất lớn.
“Tiếp tục lỗ nữa, người đứng đầu ngành điện nên có văn hóa từ chức, để cho người khác điều hành EVN tốt hơn. Không thể năm nào nhà nước cũng bù đắp cho EVN được. Tiền này là ngân sách, tiền của người dân, cho nên người dân bức xúc là lẽ đường nhiên. Trách nhiệm cần phải cụ thể hóa. Nếu lỗ có nguyên nhân khách quan thì chấp nhận được; còn lỗ không phải nguyên nhân khách quan thì không thể chấp nhận được” – ông Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng, có sự vào cuộc của thanh tra, kiểm toán sẽ phơi bày ra ánh sáng nguyên nhân lỗ 26.000 tỉ đồng mà EVN vừa báo cáo.
Nói về hiện tượng nhiều địa phương bị cắt điện như hiện nay, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, không đủ điện cung cấp, buộc EVN phải cắt. “Chúng ta thấy một số thủy điện đang ở mực nước chết, không có khả năng phát điện, đây cũng là nguyên nhân khách quan của ông trời” – ông Hòa nói.
Ông Phạm Văn Hòa cũng cho hay, vừa qua, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã xin lỗi người dân về tình trạng cắt điện và vị này cũng đã có đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho việc có điện sắp tới.
“Để xem Tập đoàn điện lực Việt Nam điều hành lưới điện cho người dân, doanh nghiệp sắp tới ra sao, rồi chúng ta sẽ có những đánh giá đối với EVN” – ông Hòa nói.