Có nên cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi?
Sáng 10.6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình với việc sửa đổi Luật Căn cước công dân. Về đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, ông Tùng nêu quan điểm không nên thực hiện. Tên thẻ căn cước công dân hiện đã rất quen thuộc với người dân. Việc thay đổi sẽ tạo tâm lý không có tính ổn định, bởi sự xáo trộn liên tục.
Ông dẫn chứng việc trước đây chúng ta có chứng minh nhân dân 9 số, sau đó là chứng minh nhân dân 12 số, sau lại cấp thẻ căn cước công dân không gắn chíp, thẻ căn cước gắn chíp và giờ là đề xuất thẻ căn cước.
“Trong một thời gian ngắn mà chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục dẫn đến tâm lý không tốt cho người dân. Đặc biệt hiện nay chúng ta đã cấp được 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người dân”, ông Tùng nói.
Về việc tích hợp thông tin giấy tờ, ông Tùng cho biết, những giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… thì hiện tại vẫn phải mang theo để xuất trình. Hiện nay khi tích hợp vào thẻ căn cước thì có thể xác nhận được những loại giấy tờ đó.
Tuy nhiên, ông Tùng đề cập đến vấn đề bảo mật khi tích hợp thông tin cá nhân vào thẻ căn cước. Theo quy định của Hiến pháp thì thông tin cá nhân, bí mật riêng tư phải được bảo vệ. Ai có thẩm quyền thì mới được tiếp cận đến những thông tin đó chứ không phải ai cũng được phép.
Ông Tùng lấy ví dụ khi cảnh sát giao thông kiểm tra người dân tham gia giao thông có giấy phép lái xe hay không thì cảnh sát chỉ được tiếp cận thông tin về giấy phép lái xe. Còn với những thông tin khác được tích hợp bên trong thẻ căn cước thì không được phép tiếp cận. Hay như đi khám chữa bệnh thì bác sĩ chỉ được tiếp cận thông tin về số thẻ bảo hiểm y tế chứ không được tiếp cận thông tin khác. Về mặt kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải quyết việc này.
Về dự kiến cấp căn cước công dân cho người 14 tuổi trên tinh thần tự nguyện, ông Tùng cho biết, có nhiều ý kiến khác nhau. Về mặt tích cực, ông Tùng cho biết, về quy định đi máy bay, bình thường trẻ em phải xuất trình giấy khai sinh để chứng minh bản thân nhưng loại giấy tờ này lại không có ảnh để nhận dạng khuôn mặt, khó xác nhận. Còn khi được cấp thẻ căn cước công dân, có ảnh và nhiều thông tin liên quan sẽ rất thuận tiện.
Dù vậy, ông Tùng cho rằng, với trẻ em dưới 14 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 5-6 tuổi thì nhận dạng thay đổi rất nhanh, rất khó xác nhận. Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá khi luật được ban hành sẽ có khoảng bao nhiêu trẻ em được cha mẹ tự nguyện đưa con đến làm thẻ công dân để có bước chuẩn bị, tránh lãng phí.
Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho biết, việc cấp thêm thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho thêm một số đối tượng như dự thảo luật rất quan trọng, đặc biệt là với vùng biên giới. Điều này sẽ giúp nhà nước quản lý tốt về nhân khẩu, quản lý được người dân, kể cả những người di cư.
Căn cước công dân gắn chip có tính bảo mật cao
Góp ý về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Đình Chung (đoàn Đà Nẵng), Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, dự thảo luật quy định về thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước, tại nội dung thông tin sinh trắc học yêu cầu tích hợp 5 trường thông tin: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói và các thông tin sinh trắc học khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tuy nhiên tại Điều 24, điểm d, khoản 2 yêu cầu về dữ liệu căn cước đối với người đủ 14 tuổi chỉ quy định 3 trường thông tin gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người đến làm thủ tục. Ông Chung cho rằng, cần quy định thống nhất lấy cả 5 trường thông tin đối với các đối tượng.
Đại biểu cũng băn khoăn việc tích hợp ADN của công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước bởi điều này còn liên quan đến bí mật của từng cá nhân, do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu chặt chẽ để đảm bảo tính bảo mật. Ngoài ra, vấn đề này còn liên quan đến kinh phí giải mã ADN, cần làm rõ Bộ Công an hay cá nhân phải trả kinh phí này và có quy định cụ thể để thống nhất khi thực hiện.
Liên quan đến tính bảo mật của căn cước, ông Chung cho biết, về mặt công nghệ, thẻ căn cước công dân gắn chip giúp bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Chip không có khả năng định vị công dân, chỉ hoạt động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gần với các thiết bị đầu đọc chip trong phạm vi 10 cm.
Ngoài ra, công nghệ triển khai trên thẻ căn cước công dân tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật thế giới và Việt Nam. Đảm bảo thẻ không bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin trên thẻ nếu công dân không tự xuất trình thẻ căn cước công dân tiếp xúc với đầu đọc thẻ.
Trong quá trình trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và chip căn cước công dân, mọi dữ liệu đều được mã hoá nhằm chống lại việc nghe lén, lấy trộm dữ liệu của công dân. Dữ liệu công dân trong chip khó có thể làm giả, thay đổi sau khi hoàn thành thẻ với các thuật toán, mật mã tuân thủ theo tiêu chuẩn của Ban cơ yếu Chính phủ và bảo mật quốc tế.
Không những thế, thẻ căn cước công dân còn có chức năng đối sánh vân tay, khuôn mặt của công dân với vân tay và khuôn mặt lưu trong chip cho phép xác định đảm bảo chính xác là chủ thẻ nên việc lấy trộm, sử dụng thẻ căn cước công dân vào mục đích bất hợp pháp không thể thực hiện.
Ông lấy ví dụ, với thẻ căn cước công dân gắn chip khi rút tiền tại ngân hàng, công dân phải quét vân tay trực tiếp để so sánh với vân tay lưu trữ trong thẻ căn cước công dân, nếu vân tay trùng khớp mới rút tiền được. Như vậy, nhân viên ngân hàng nếu có thẻ cũng không thể rút tiền của công dân được.