Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở ĐBSCL diễn ra dồn dập và lan rộng khắp nơi. Không chỉ diễn ra ở lưu vực sông Mekong mà cả lưu vực sông Vàm Cỏ ở vùng Đồng Tháp Mười đến khu vực Bán đảo Cà Mau…
Dồn dập từ thượng nguồn đến hạ lưu
Sáng 7.6, trên tuyến bờ hữu sông Hậu thuộc phường Bình Đức (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất, với chiều dài khoảng 40 m và có nguy cơ tiếp tục sạt lở thêm.
Cùng ngày, tại xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) cũng xảy ra sạt lở taluy chân đê kênh ranh Tri Tôn – Thoại Sơn với chiều dài khoảng 70 m.
Trước đó, ngày 5.6, trên tuyến đê bờ Đông kênh Cái Hố (xã An Thạnh Trung) và tuyến đê bờ Tây kênh Đồng Tân (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) đã xảy ra hiện tượng sụt lún đất và rạn nứt mặt đê ảnh hưởng đến lộ giao thông nông thôn và các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến đê. Nghiêm trọng hơn, sáng 24.5, nhiều người hoảng hốt khi 4 cửa hàng buôn bán tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú bất ngờ bị sụp xuống sông chỉ trong chưa đầy một phút.
Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay cũng xảy ra hàng chục vụ sạt lở. Trong đó có nhiều vụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân tại huyện Cao Lãnh hay tuyến kênh Đốc Phủ Hiền (TP Sa Đéc)…
Dưới hạ lưu, chỉ trong ngày 6.6, tại các kênh Tràm Bông, kênh Mái Dầm (huyện Châu Thành) và kênh xáng Xà No (huyện Châu Thành A) liên tiếp xảy ra 4 vụ sạt lở với tổng chiều dài lên đến hơn 100m. Tổng diện tích đất bị mất gần 600 m2. Đây không phải lần đầu tiên người dân Hậu Giang mất đất đai, nhà cửa vì sạt lở.
Trên tuyến kênh Mái Dầm, ngày 20.5, đã xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 10 m. Chỉ 1 ngày sau, cũng trên tuyến kênh này tiếp tục sạt lở với chiều dài 20 m. Cùng ngày, tại kênh Thạnh Đông sụt đất, sạt lở bờ kênh với chiều dài 15m. Vài ngày sau, tại tuyến kênh Nàng Mau (huyện Phụng Hiệp) bất ngờ sụp đổ, ảnh hưởng đến 4 căn nhà của người dân.
Thất thần nhìn ngôi nhà rơi xuống lòng kênh Nàng Mau, bà Phan Thị Liễu cho biết: “Thấy có dấu hiệu đất động, nền gạch bắt đầu lún xuống dần. Trong gang tấc, tôi chỉ kịp gọi con cháu chạy thoát và nhìn ngôi nhà của mình đổ ụp”.
Lan rộng khắp Miền Tây
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 35 vụ sạt lở, với chiều dài 773 m, diện tích mất đất hơn 4.000 m2.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 12 vụ sạt lở với tổng chiều dài 458 m. Còn tại Cần Thơ, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 10 đợt sạt lở ở các quận, huyện với tổng chiều dài hơn 530 m.
Theo ghi nhận của Lao Động, tình trạng sạt lở bờ sông đã lan rộng khắp các lưu vực. Tất cả các địa phương trên lưu vực sông Mekong đều xảy ra sạt lở.
Tại Vĩnh Long, vào tháng 12.2022, chỉ trong tích tắc, 12 căn nhà ở xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ biến mất dưới lòng sông Cổ Chiên mà không ai kịp mang theo gì. Đến tháng 4 năm nay, người dân cồn Thanh Long (huyện Vũng Liêm) lại nháo nhác bỏ chạy khi đê bao sạt lở nhấn chìm hơn 17 ha vườn cây ăn trái. Còn tại Bến Tre, hơn 10 năm qua, người dân thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam) quá quen với việc liên tiếp xảy ra sạt lở, đe dọa nhiều công trình công cộng, cơ quan nhà nước cũng như gây bất an trong sinh hoạt của người dân.
Không chỉ lưu vực sông Mekong mà cả vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười lẫn vùng Bán đảo Cà Mau nhiều năm qua cũng liên tiếp xảy ra sạt lở. Gần đây nhất là vào rạng sáng ngày 6.6, tại tuyến Kinh 17 (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng nhà của 5 hộ dân.
Trước đó, ngày 23.5, cũng trên tuyến kênh này đã có 3 căn nhà đổ ụp hoàn toàn do sạt lở. Trong khi đó, ở vùng Đồng Tháp Mười và lưu vực sông Vàm Cỏ cũng liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở đất trên địa bàn các huyện Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Tân Trụ…