Miền sông nước Mường Lay chỉ còn trong cổ tích
Mường Lay được gọi là miền sông nước bởi nơi đây nằm giữa ngã ba của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Vì thế cuộc sống của người từ nhiều đời nay đã gắn bó với sông nước. Điều đó còn được thể hiện rất rõ trong các nghi lễ văn hóa truyền thống như: Lễ hội đua thuyền đuôi én hay Lễ tế thần sông nước.
Người già ở Mường Lay kể rằng, xưa kia khi mực nước trên sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay còn cao, các thương lái có thể đi thuyền từ đây đến Phong Thổ, Mường Tè (Lai Châu) và xuôi về đến Sơn La, Hòa Bình…
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay nguồn nước trên các sông suối đang dần cạn kiệt khiến sinh kế của người dân cũng phải dần chuyển đổi theo hướng phát triển nông nghiệp là chính. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập từ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng vẫn đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Thế nhưng, xây dựng công trình Thủy điện Sơn La thì cuộc sống của người dân miền sông nước Mường Lay bắt đầu chuyển sang một bước ngoặt mới. Đó là từ năm 2006, thị xã Mường Lay bắt đầu triển khai các dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.
Đã có hơn 4.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái phải di dời để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện, trong đó có trên 2.000 hộ dân được bố trí tái định cư tại chỗ theo hình thức di vén – di chuyển lên các triền đồi cao hơn xung quanh lòng hồ thủy điện. Cùng với đó, phần lớn diện tích đất nông nghiệp cũng chìm sâu dưới lòng hồ.
Thung lũng Mường Lay vốn trù phú với những cánh đồng lúa chạy dọc theo con suối Nậm Lay. Hay bãi bồi ven sông Đà với đủ các loại rau màu, cây lương thực đủ để nuôi sống gia đình và cung cấp cho cả vùng rộng lớn. Thế nhưng, cuộc sống bắt đầu thay đổi khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể và người dân buộc phải tìm sinh kế cho riêng mình.
Loay hoay tìm sinh kế cho người dân
Sau khi phát lệnh đóng đập dâng nước lòng hồ Thủy điện Sơn La vào tháng 5.2010, thị xã Mường Lay được coi là khu đô thị có vị trí đẹp nhất cả nước. Những “dãy phố” nhà sàn lợp mái đá mang đậm bản sắc dân tộc Thái soi bóng xuống lòng hồ thủy điện tạo nên một bức tranh thơ mộng và độc đáo mở ra hướng phát triển du lịch nhiều tiềm năng.
Thế nhưng, người dân lại gặp vô vàn khó khăn vì nhiều đời nay cuộc sống của họ đã quen gắn bó với ruộng vườn. Nay cả nhà phải sống trong một không gian phố thị với diện tích đất ít ỏi chỉ vừa làm được 1 ngôi nhà sàn, không còn ao, vườn, chuồng trại, thiếu bãi chăn thả gia súc…
Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, một số diện tích đất bán ngập vẫn được người dân tận dụng để trồng lúa 1 vụ nhưng cũng khác bấp bênh vì phụ thuộc vào mực nước lòng hồ lên xuống thất thường theo từng năm. Nhiều gia đình đã phải dần chuyển đổi sang đánh bắt thủy sản…
Để hỗ trợ sinh kế cho người dân, hằng năm thị xã Mường Lay cũng đã mở nhiều lớp dạy nghề, đào tạo lao động hay định hướng phát triển các mô hình. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn vô cùng khiêm tốn. Thậm chí hằng năm, các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội đã thả hàng triệu con cá giống xuống lòng hồ để tăng nguồn lợi thủy sản.
Thế nhưng, cứ đến tháng 5, tháng 6 thì tôm cá lại theo dòng nước đi hết, chỉ còn lại lòng hồ cạn kiệt. Thời điểm hiện tại (tháng 6.2023) lòng hồ Thủy điện Sơn La đoạn thị xã Mường Lay đã cạn trơ đáy và kéo dài hàng chục km. Thế nên giải pháp thả cả xuống lòng hồ cũng không khả thi.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Hoàng Văn Quyền – Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho biết, việc thiếu đất sản xuất hiện vẫn là vấn đề nan giải của địa phương, bởi hiện tại không còn quỹ đất để quy hoạch nữa. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch lòng hồ cũng gặp nhiều khó khăn vì chỉ được 1 mùa.
“Đến mùa nước cạn thì vẻ đẹp sông nước không còn, du lịch lòng hồ không thể hoạt động nên kéo theo các dịch vụ, du lịch khác cũng gần như chỉ hoạt động cầm chừng” – ông Quyền cho hay.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, việc chuyển đổi ngành nghề cho người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lưu lượng người qua lại ít nên các ngành thương mại, dịch vụ cũng bị hạn chế. Do vậy, phần lớn lao động nhàn rỗi chọn đi tìm việc làm thuê ở các tỉnh miền xuôi…
“Hiện nay thị xã đang định hướng cho người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái và trải nghiệm. Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp không ít khó khăn vì người dân chưa quen” – ông Hoàng Văn Quyền nói thêm.
Thị xã Mường Lay từng có tên gọi là thị xã Lai Châu – là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Lai Châu cũ (gồm Điện Biên và Lai Châu). Sau trận lũ quét kinh hoàng vào năm 1990 cuốn trôi khoảng 300 người, trong đó có hơn 100 người chết, thì đến năm 1992, tỉnh lỵ Lai Châu được chuyển về thị xã Điện Biên Phủ (nay là TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Năm 2004, sau khi tỉnh Lai Châu được chia tách thành Điện Biên và Lai Châu thì thị xã Mường Lay là đơn vị hành chính thuộc tỉnh Điện Biên. Hiện nay thị xã Mường Lay có hơn 11 nghìn hecta diện tích tự nhiên với 3 đơn vị hành chính, gồm 2 phường và 1 xã là phường Na Lay, phường Sông Đà và xã Lay Nưa và dân số chỉ hơn 11 nghìn người.
Mường Lay là thị xã có diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính và quy mô dân số nhỏ nhất trong cả nước.