Ẩm thực Việt chinh phục chính khách nước ngoài
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tháng 6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese thưởng thức bia hơi và bánh mì ngay trong ngày đầu tiên.
Thủ tướng Australia dành lời khen bánh mì Việt Nam và uống bia trong tiếng “dô” của thực khách ở quán bia trên phố Đường Thành, Hà Nội. Khen ngợi ẩm thực Việt Nam ngon và có nhiều món đa dạng, ông Albanese còn ăn lạc luộc, chả cá, ba chỉ nướng, đậu rán… trong khi uống bia.
Hình ảnh các nguyên thủ, lãnh đạo nước ngoài đi dạo, thưởng thức ẩm thực đường phố dường như đã trở thành thông lệ mỗi dịp Việt Nam tiếp đón chính khách quốc tế. Thủ tướng Justin Trudeau hay Thân vương William từng uống cà phê vỉa hè; cựu Tổng thống Barack Obama ăn bún chả Hà Nội vào năm 2016; cựu Tổng thống Bill Clinton đánh dấu chuyến thăm Việt Nam đầu tiên vào năm 2000 bằng kỷ niệm ăn phở…
Chuyến ghé thăm của các chính khách nước ngoài càng khẳng định nền ẩm thực, bên cạnh lòng hiếu khách của người dân, luôn để lại dấu ấn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Như một lẽ tự nhiên, những địa chỉ từng đón chính khách tại Việt Nam tiếp nhận hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ để trở nên nổi tiếng.
Từ quán cà phê Vy trên đường Lê Thánh Tôn – Lê Anh Xuân (Quận 1, TPHCM) đến quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu (Hà Nội) đều tạo nên “cơn sốt” sau khi tiếp nguyên thủ. Đáng chú ý, quán bún chả còn có menu độc nhất vô nhị hấp dẫn cả thực khách trong nước và quốc tế, mang tên “combo Obama”, gồm một suất bún chả, nem hải sản và bia như suất cựu Tổng thống Mỹ từng ăn cùng đầu bếp huyền thoại Anthony Bourdain.
Ngoại giao ẩm thực
Ẩm thực Việt Nam có thể coi như nguồn tài nguyên trù phú để khai thác, phát triển trong quảng bá đất nước, văn hóa, con người. Ngoại giao ẩm thực có thể nói là một thành tố quan trọng trong chiến lược quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Đầu bếp Nguyễn Thường Quân, chủ nhà hàng Old Hanoi, từng đảm nhận chương trình ngoại giao ẩm thực gồm chuỗi những ngày ẩm thực Việt Nam song song với hoạt động của chính khách tại nước ngoài, cho rằng, ngoại giao đem đến cho ẩm thực cơ hội quảng bá.
“Song song với các hoạt động ngoại giao, đầu bếp chúng tôi bày tỏ tính hiếu khách, tình yêu nước, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam qua những món ăn thể hiện bởi bàn tay vàng của các đầu bếp giỏi của Việt Nam.
Đó là sự phụ họa hết sức tinh tế, duyên dáng trong những chuyến thăm ngoại giao. Tôi cho rằng, ngoại giao văn hóa không chỉ bằng lời nói, mà còn qua hành động cụ thể trong ngoại giao ẩm thực” – ông Nguyễn Thường Quân nói.
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, người từng phục vụ bữa ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC Đà Nẵng 2017, đánh giá, ẩm thực Việt Nam hoàn toàn đủ tầm cỡ để vươn ra thế giới. Bà lấy dẫn chứng về bữa ăn cho các nguyên thủ phục vụ 100% ẩm thực truyền thống Việt Nam được đón nhận nồng nhiệt và để lại ấn tượng sâu sắc.
Điều còn thiếu là chiến lược, kế hoạch đúng đắn để phát triển và nâng tầm ẩm thực thành thương hiệu – bà Ánh Tuyết phân tích.
“Ẩm thực Việt Nam có nhiều món ngon để quảng bá. Tôi đánh giá không chỉ một, hai món ăn nào mà bất kỳ món ăn nào của Việt Nam cũng khác biệt, món nào cũng có thể khiến khách quốc tế thích thú. Vấn đề là chúng ta cần có một chiến lược tổng thể trong quảng bá” – bà Tuyết nói.
Câu chuyện quảng bá không thể ngày một, ngày hai mà cần tiến trình dài, qua nhiều giai đoạn. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân và sắp tới nền ẩm thực Việt Nam sẽ đánh dấu một mốc quan trọng bằng sự kiện ra mắt của Michelin Guide – cuốn cẩm nang với hệ thống xếp hạng nhà hàng bằng “sao” được ví như giải “Oscar” của nền ẩm thực thế giới.
Ông Gwendal Poullennec – Giám đốc Quốc tế của Michelin Guide – cho biết: “Chúng tôi đã quan sát nền ẩm thực Việt Nam trong một thời gian dài và rất vui mừng thông báo những nhà hàng đầu tiên được Michelin Guide tuyển chọn tại Hà Nội và TPHCM. Các thẩm định viên ẩn danh của chúng tôi rất hào hứng khi phát hiện ra nhiều viên ngọc ẩm thực với cách chế biến tinh tế cùng hương vị đặc trưng”.
Michelin Guide có mặt tại Việt Nam không chỉ là dấu mốc ghi nhận tinh thần cống hiến và nỗ lực của các đầu bếp và nhà hàng hàng đầu, mà còn tôn vinh nét đa dạng và tinh tế của ẩm thực Việt Nam. Đây sẽ là dịp để Việt Nam giới thiệu, quảng bá tinh hoa ẩm thực tới du khách quốc tế.