Làm bằng giả, mua được cả tiêu chuẩn GPP
Tài khoản facebook Minh Huyền báo giá thuê chứng chỉ hành nghề y dược cho phóng viên là 4,5 triệu đồng/tháng nhưng phải thuê 5 năm trở lên và đòi tăng giá theo từng năm.
Hay N.T.K (SN 1990, một dược sĩ đại học tại Hà Nội) không ngại ngần chia sẻ việc bản thân cũng cho thuê bằng: “Cho thuê mỗi tháng thu về được 3 triệu đồng để tăng thêm thu nhập. Nếu cơ quan chức năng đi kiểm tra thì N.T.K sẽ được báo trước, không lo sự cố”.
Đáng chú ý, nhiều tài khoản facebook trên các hội nhóm còn ngang nhiên quảng cáo nhận làm bằng Đại học y dược giả với giá 5 triệu đồng, hỗ trợ 100% thủ tục để nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lí nhà thuốc) nhằm tăng uy tín đối với người tiêu dùng.
Qua điện thoại, một người tên T.N cho biết, có thể làm bằng giả, tiêu chuẩn GPP tại Hà Nội. Người này quảng cáo: “Bên mình có dịch vụ hỗ trợ làm bằng y dược giả với mức giá 5 triệu đồng/bằng, dùng được mãi mãi.
Ngoài ra, còn hỗ trợ làm thủ tục nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP với mức giá 6 triệu đồng, hỗ trợ từ đầu đến cuối, từ việc cấp phép, thẩm định diện tích, những yêu cầu để tính điểm nhà thuốc tốt. Nếu cửa hàng mới chỉ đạt yêu cầu 80% thì đơn vị cũng sẽ tìm cách “bôi trơn” cho đoàn thẩm định, chỉ 45 ngày là hoàn thành”.
Siết chặt kiểm tra, giám sát
Theo thông tin từ Sở Y tế (Hà Nội), thời gian qua trong quá trình kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập phát hiện một số vi phạm như: hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; sử dụng nhân sự không đủ điều kiện trong hoạt động hành nghề; thu tiền dịch vụ y tế, bán thuốc cao hơn giá niêm yết… Đặc biệt còn tồn tại tình trạng cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép.
Thông tin từ Sở Y tế cho hay, nguyên nhân là bởi một bộ phận cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập coi trọng lợi nhuận, không tuân thủ đầy đủ các quy định về hành nghề khám chữa bệnh và cung ứng thuốc. Trong khi đó, việc lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế, thói quen tự mua thuốc của người dân còn dễ dãi.
Công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực còn ít, trong khi số lượng cơ sở hành nghề lớn, địa bàn quản lí rộng; mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe.
Để chấn chỉnh các cơ sở này, loại bỏ các sai phạm, ngành y tế Hà Nội cần phối hợp với lực lượng chức năng, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Đặc biệt, cần bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập.
Trao đổi với Lao Động, Dược sĩ Nguyễn Văn Luân – Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) – cho biết, việc mượn bằng cấp để mở hiệu thuốc như hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đe doạ trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Một bằng dược sĩ chỉ được đứng tên để mở quầy thuốc, nhà thuốc ở một nơi và dược sĩ đứng tên phải chịu trách nhiệm về hoạt động của quầy thuốc, nhà thuốc đó.
Theo luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị – việc thuê, mượn bằng y dược là hành vi nguy hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực y dược liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.
Hành vi cho thuê chứng chỉ hành nghề dược, chứng chỉ hành nghề khám bệnh là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 6 Luật Dược 2016. Về chế tài xử phạt, Nghị định 117/2020 quy định rõ hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược có thể bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng.
Luật sư nhấn mạnh, việc ngăn chặn, xử lí, phát hiện việc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để đứng tên đăng ký kinh doanh, hành nghề không khó. Tuy nhiên việc phát hiện, xử lí lại chưa được nhiều.