Từ sau ngày 1.6, nhiều địa phương đã bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. Tại Đà Nẵng, hơn 15.000 thí sinh sẽ bắt đầu cuộc đua vào 22 trường công lập từ ngày mai 6.6. Nói chạy đua là bởi, chỉ có 70% thí sinh dự thi được học tại trường công. Tức là, khoảng gần 5.000 thí sinh sẽ phải tìm đến những lựa chọn khác.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các ông bố bà mẹ chưa sẵn sàng cho “những lựa chọn khác”. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến áp lực thi cử cho thí sinh. Sự kỳ vọng của bố mẹ và con đường thi cử chỉ có 2 lựa chọn hoặc đậu, hoặc rớt khiến các em cày ngày cày đêm để chen chân vào trường công.
Anh Phan Thanh (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) chia sẻ câu chuyện, áp lực thi cử ở thời điểm nào cũng có. Năm 1990, lứa học sinh như anh Thanh thi lên lớp 10 lẫn đại học đã có sự chọn lọc rất khắt khe. Nhiều học sinh rớt tốt nghiệp lớp 9. Đại học thì mỗi khoa, mỗi khoá chỉ có 1 lớp.
Trong khi đó hiện nay, không thể nói vì ít trường công mà áp lực được vì ngoài trường công lập, các trường tư nhân cũng đang xây dựng chương trình học rất tốt.
Xét về chi phí học ban đầu, trường tư có thể cao tiền học phí hơn, nhưng nếu tính đúng, tính đủ cả chi phí nếu học trường công, các con vẫn phải học thêm nhiều môn. Cha mẹ phải bỏ thời gian hoặc thuê người đưa đón thì cũng chẳng ít chút nào.
“Con tôi đã từng rớt 2 nguyện vọng vào trường công tại Đà Nẵng. Nhưng đó chẳng phải là cú sốc gì với gia đình khi tôi đã chuẩn bị sẵn những lựa chọn khác cho con. Dĩ nhiên, cả nhà vẫn buồn, nhưng không vào được trường công không có nghĩa là chấm hết con đường học tập.
Bên cạnh đó, việc phân luồng học sinh ngay từ sớm sẽ giúp giảm bớt đi những hiện tượng bằng thạc sĩ, tốt nghiệp đại học tràn lan như được phổ cập. Nhưng rồi, tân cử nhân lại đi chạy xe công nghệ, đi giao hàng, làm lao động chân tay.
Thậm chí nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp không nhận bằng đại học vì họ chỉ cần lao động chân tay và nhiều em đã phải giấu bằng đại học để xin vào làm việc, đó là một hiện trạng xã hội rất đau lòng. Cho nên, việc phân luồng hay áp lực thi cử này ban đầu có thể sốc với xã hội, sốc với phụ huynh nhưng nó rất cần thiết” – anh Thanh nói.
Như vậy, ngoài trường công lập, hiện hệ thống trường tư nhân, các trường nghề hiện nay cũng là những lựa chọn mà các bậc phụ huynh cần suy nghĩ đến để đưa ra những lựa chọn cho con.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Thuỳ Châu (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng, áp lực của học sinh bây giờ đa phần là do kỳ vọng của phụ huynh.
Ở độ tuổi 15, 16 tuổi, các em còn đang có những thay đổi tâm sinh lý, cần thời gian để định hình được nhân cách, suy nghĩ còn chưa chín chắn nên việc áp lực học tập đa phần ở sự kỳ vọng của ba mẹ.
“Ba mẹ hãy là người đồng hành, đưa ra những lời tư vấn và cả những lựa chọn cho con, thậm chí là hướng con học nghề nếu con không có hứng thú học tập. Điều này cần sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ trước chứ đừng để nước đến chân mới nhảy, dẫn đến những trường hợp các con thất vọng, gia đình thất vọng và nảy sinh những phản ứng tiêu cực” – chị Châu nói.