Gõ cửa từng nhà cấp Căn cước gắn chíp
Cầm trên tay tấm căn cước mới được cấp, cụ Lại Thị Trừng (90 tuổi, thôn Yên Thống, xã Liêm Phong – Hà Nam) không giấu được niềm phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Tuyên (con trai cụ Trừng) nói: “Cụ nhà tôi đã ở tuổi xưa nay hiếm. Thời điểm làm căn cước, cụ đang bị đau chân, phải nằm một chỗ. Rất may, các anh công an đã quan tâm, đến tận nhà đưa đón cụ đi làm để cụ có CCCD mới. Cụ và gia đình phấn khởi lắm!”.
Theo đại tá Tô Anh Dũng – Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam – ngày 22.4, Hà Nam là tỉnh đầu tiên cả nước công bố hoàn thành cấp CCCD cho 100% người dân trong độ tuổi quy định. Công an tỉnh đã cấp trên 750.000 thẻ CCCD gắn chip điện tử, đứng đầu toàn quốc khi đã kích hoạt hơn 400.000 tài khoản định danh điện tử và tổ chức thực hiện số hóa tàng thư hồ sơ hộ khẩu đạt 100%.
Để đạt được điều đó, Công an tỉnh Hà Nam đã huy động 45 cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm để thành lập 11 tổ công tác tỏa đi các địa phương thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân Hà Nam. Chỉ trong 3 ngày, từ 6 – 8.4, các tổ công tác đã vượt hàng nghìn kilômét để thu nhận 1.032 hồ sơ cấp CCCD cho công dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nam. Việc này tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và không làm công việc, học tập của họ bị gián đoạn.
Thượng uý Đỗ Tuấn Anh – Trưởng Công an xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm – cho biết, với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, lực lượng công an đã huy động cả hệ thống chính trị cùng phối hợp, rà soát cụ thể từng trường hợp.
Với trường hợp công dân sinh sống tại địa bàn và các tỉnh thành gần, lực lượng công an đã gọi điện đặt lịch cụ thể, cử tổ công tác về tận nơi phục vụ chuyển đổi. Còn với trường hợp ốm đau, già yếu, tổ công tác sẽ đến tận nhà hỗ trợ bà con.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Theo trung tá Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Công an phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội), với phương châm “không để ai lại phía sau”, Công an phường Láng Thượng bằng nhiều biện pháp khác nhau đã thực hiện cấp CCCD gắn chíp cho 100% công dân trên địa bàn. Đặc biệt, Công an phường đã áp dụng nhiều sáng kiến hay, đảm bảo việc cấp và quản lí công dân, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Đến nay, công an phường đã xác thực mã định danh cá nhân của 80% số người được cấp CCCD gắn chíp có hộ khẩu thường trú và sinh sống trên địa bàn. Kích hoạt mức độ 2 đạt tỉ lệ 90% số người đã có tài khoản định danh hiện sinh sống trên địa bàn phường Láng Thượng.
Theo tổ công tác, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ, đến nay, Bộ Công an đã thu nhận 32,6 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử.
Trong đó, phê duyệt 29 triệu hồ sơ (tăng 5,2 triệu hồ sơ so với tháng 4.2023). Đồng thời, cấp hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Đã có 10 tỉnh, 100 huyện và 298 xã trên toàn quốc cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội.
Tính đến ngày 19.5, có 9 bộ, ngành và 55 địa phương đã thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 1,3/2,2 triệu hồ sơ được đồng bộ.
Cấp tài khoản định danh điện tử lưu động cho đại biểu Quốc hội
Cục Cảnh sát Quản lí hành chính về trật tự xã hội cho biết, đã thành lập 2 đoàn công tác gồm 30 cán bộ, chiến sĩ tiến hành tại 2 địa điểm từ ngày 1 – 6.6.2023. Cụ thể, thường trực nhận định danh điện tử cho Đại biểu Quốc hội trong thời gian nghỉ giải lao và nghỉ giữa giờ khi các đại biểu có nhu cầu; tiến hành thu nhận định danh điện tử cho cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội tại 22 Hùng Vương.
* Báo cáo của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ, tính đến ngày 13.5, đã có 1.025.154 thí sinh đăng kí dự thi thành công, trong đó có 968.903 thí sinh đăng kí trực tuyến (chiếm tỉ lệ 94,51%), 56.251 thí sinh đăng kí trực tiếp (chiếm tỉ lệ 5,49%).