Đề xuất cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn
Chiều 5.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhận thấy một vấn đề có thể coi là một nhiệm vụ chính trị mà dự thảo vẫn chưa đưa ra để giải quyết, đó là xoá bỏ tín dụng đen.
Theo đại biểu, vừa qua, lực lượng công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp – điều đó chứng tỏ tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác.
Để xoá bỏ tín dụng đen, cần giải quyết tận gốc vấn đề: Người dân trong xã hội có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp). Hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, do đó họ phải tìm tới tín dụng đen với rất nhiều rủi ro.
Để giải quyết bài toán này, đại biểu cho rằng cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số. Cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tín dụng đen, đại biểu đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo bổ sung có quy định về ngân hàng số tại dự thảo luật. Nội dung cơ bản là: Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.
Cân nhắc quy định cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng
Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần bổ sung giải thích khái niệm “ngân hàng chính sách” và “công ty tài chính”.
Cùng với đó, cần thay thế khái niệm “vốn tự có” tại khoản 10 Điều 4 thành “vốn chủ sở hữu” cho phù hợp với ngôn ngữ thông dụng trong quản lý tài chính các doanh nghiệp bao gồm cả ngân hàng.
Về quyền hoạt động ngân hàng, khoản 2 Điều 8 dự thảo luật quy định, nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định này, bởi hoạt động ngân hàng bao gồm: nhận tiền gửi, cung cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, trên thực tế, nhiều loại doanh nghiệp khác có thể thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ này trong hoạt động kinh doanh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, dự thảo luật vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể hóa, giao cho Chính phủ hướng dẫn, còn phụ thuộc nhiều vào các văn bản dưới luật.
Đại biểu đề nghị, quy định rõ, cụ thể hóa vào các điều khoản ngay tại văn bản luật thay vì giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra văn bản hướng dẫn.
Quan tâm tới vấn đề bao thanh toán, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng đây là vấn đề mới, hiện nay cách hiểu về khái niệm này của Việt Nam và thế giới còn có khoảng cách, không đồng nhất.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để dự án luật cập nhật được sự phát triển mới của thị trường tài chính, quy định hợp lý về quy trình thủ tục bao thanh toán, cụ thể hóa quy định cho phép chiết khấu các công cụ chuyển nhượng điện tử.
Đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) cho biết, về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, khoản 2 Điều 91 của dự thảo luật quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Đại biểu cho rằng, việc sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” khiến cho trong xử lý vụ việc, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật như công an, kiểm sát, tòa án không biết nên áp dụng pháp luật về tín dụng ngân hàng hay theo pháp luật về dân sự. Đại biểu đề nghị cần bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” để khắc phục hạn chế này.