Chưa có van để khoá tình trạng bong bóng bất động sản
Thảo luật về Luật Nhà ở (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – cho biết, ông đã đọc cả 3 dự thảo luật, bao gồm Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Bất động sản, ông thấy rằng, chúng ta vẫn chưa có van để khoá tình trạng bong bóng bất động sản, bong bóng nhà ở.
Theo ông Minh, Trung Quốc đang dư 30 triệu ngôi nhà, năm 2008 Mỹ dư 500.000 ngôi nhà, Nhật Bản cũng dư 3 triệu căn. Điều này gây lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Trong khi đó, hầu hết quốc gia châu Âu, Hàn Quốc đều có van điều tiết bong bóng bất động sản bằng cách đánh thuế việc mua ngay bán ngay (mua bán lướt sóng).
Nghĩa là, trong những trường hợp mua bán lướt sóng, Nhà nước sẽ thu lại gần 50% lợi nhuận trong năm đầu tiên, đến năm thứ 2 Nhà nước thu ít đi và đến năm thứ 10 thì người mua nhà mới được mua nguyên giá theo thuế thông thường.
“Nếu Nhà nước đánh thuế bất động sản 2% thì đến năm thứ 10, người mua nhà mới được hưởng mức thuế này” – ông Minh lấy ví dụ.
Ông Minh cho rằng, chúng ta nên nghiên cứu xem xét có van để khoá tình trạng bong bóng bất động sản, bong bóng nhà ở và đưa vào một điều khoản trong Luật Nhà ở (sửa đổi) để điều tiết việc này.
Đề xuất quy định Nhà nước có trách nhiệm giao đất sạch đầu tư nhà ở xã hội
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị điều chỉnh lại khoản 3, Điều 80 quy định “dành 1 tỉ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội” vì không đúng theo Luật Ngân sách nhà nước.
Theo ông Phớc, các khoản thu ngân sách không quy định về nhiệm vụ chi của những việc cụ thể và cần làm rõ các khoản này có được đưa vào ngân sách không, nếu để ngoài sẽ không có cơ chế thực hiện.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất nên thiết kế lại theo hướng, Nhà nước có trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhà ở xã hội. Khi có hạ tầng, có đất sạch, chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xa hội theo đúng quy hoạch phê duyệt sẽ hợp lý hơn.
Ông Phớc cho hay, có 2 loại nhà ở xã hội: do nhà nước đầu tư hoặc từ nguồn vốn xã hội hoá (do doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư).
“Nếu gói do Nhà nước đầu tư phải phân cấp về tỉnh để UBND giao cho chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh phải quy định về giá bán, giá thuê nhà ở xã hội bởi đất xây dựng nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm ra phải quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội” – ông Phớc nêu.
Bộ trưởng Tài chính phân tích, nhà ở cho công nhân có 2 loại: nằm trong khu công nghiệp, sắp xếp cho công nhân của khu công nghiệp thuê để phục vụ cho hoạt động của nhà máy như thế mới đúng đối tượng.
Đối với loại nằm ngoài khu công nghiệp, khi xây nhà ở công nhân, nếu là đất do doanh nghiệp đấu giá được để làm theo quy hoạch, doanh nghiệp sẽ quyết định giá cho thuê. Nhưng nếu đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước quyết định giá để tạo điều kiện cho công nhân hưởng mức giá thấp nhất.
Tuy nhiên, ông Phớc băn khoăn khi luật vẫn chưa quy định, giá bán nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư sẽ do ai duyệt. Ông cho rằng, nếu đã là nhà ở xã hội, Nhà nước phải duyệt giá, bởi doanh nghiệp đầu tư chỉ đầu tư vốn, còn đất lại do Nhà nước giao. Nhà nước không những không thu tiền sử dụng đất, mà còn giao đất sạch, đương nhiên việc khống chế mức giá tối đa do Nhà nước thực hiện. Có như vậy mới đưa ra mức giá phù hợp với đúng đối tượng được bán, thuê.
“Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, Nhà nước quy định giá bán và phải bán đúng giá. Đối với loại nhà ở thực hiện xây dựng từ nguồn xã hội hoá nhưng do doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước cũng phải duyệt giá” – ông Phớc nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, phải giao cho Chính phủ quy định UBND tỉnh ban hành phí bảo trì và quản lý nhà ở xã hội. Nếu không có phí này, mỗi khu chung cư lại tự đặt một mức phí khác nhau rất khó quản lý, trong khi khoản phí này do chính đối tượng ở nhà ở xã hội chi, là đối tượng yếu thế do đó cần phải quản lý, phải duyệt giá, không để chủ đầu tư tự nâng giá như thế nào cũng được.