Sáng tạo làm nên “chất Bách Khoa”
Không thích nói nhiều về mình, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, suy nghĩ rất thực tế và tư duy logic… những cảm nhận mà chúng tôi vẫn gọi là “chất Bách Khoa” khi trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhân dịp ông vinh dự trở thành một trong những cá nhân tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam 2023”.
Trong suốt câu chuyện, ông nhắc nhiều đến những buổi chia tay xúc động với học trò. Khi trong những ngày tháng 5 và tháng 6 này, nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp cho hàng nghìn sinh viên, tiễn các em bước vào cánh cửa mới của cuộc đời, với lời dặn dò: Hãy xứng đáng là con người Bách khoa, luôn lan tỏa giá trị của lao động sáng tạo và tinh thần tận hiến.
“Sáng tạo và tận hiến”, với PGS Huỳnh Quyết Thắng trước hết là dám ước mơ và nỗ lực không ngừng để thực hiện ước mơ đó. Và hơn 20 năm qua, khi bắt đầu rẽ hướng sang nghề giáo, chọn Bách khoa là bến đỗ, ông đã nỗ lực để thực hiện điều đó, trở thành tấm gương cho các thế hệ học trò, đại diện cho con người Bách Khoa luôn chính trực, trách nhiệm, sáng tạo và xuất sắc.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ, PGS Huỳnh Quyết Thắng dành niềm yêu thích đặc biệt với khoa học máy tính. Nhưng cái duyên với nghề giáo đeo đuổi, năm 1998, khi đã nhận học vị tiến sĩ ngành khoa học máy tính và thông tin tại Trường đại học Kỹ thuật Varna, Cộng hòa Bulgaria và làm ở môi trường doanh nghiệp với thu nhập rất tốt, ông quyết định rẽ hướng sang nghề giáo với vai trò là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Lúc đó, ông có khát khao mang kiến thức mình đã học ở nước ngoài để cùng những nhà giáo tâm huyết ở Bách khoa viết nên những kỳ tích về sự đổi mới, sáng tạo.
Nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực kỹ thuật phần mềm, PGS Thắng đã ứng dụng các kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất để thực hiện chuyển đổi số trong ngôi trường của mình và đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Với ông, chuyển đổi số không đơn giản dừng lại ở việc dạy và học qua mạng mà còn dựa trên 4 công nghệ nền tảng bao gồm Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn, Trí tuệ Nhân tạo và Internet vạn vật để tái cấu trúc lại dịch vụ và sản phẩm, tạo đột phá về môi trường trải nghiệm giáo dục đại học.
Một trong những sản phẩm tiêu biểu cho khả năng sáng tạo mang dấu ấn của tập thể lãnh đạo, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội là phần mềm lọc ảo, hỗ trợ trong xét tuyển đại học. Bằng việc sử dụng phần mềm để lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn, Bách Khoa Hà Nội đã giúp hàng trăm trường đại học ở phía Bắc dễ dàng trong công tác tuyển sinh, xác định điểm chuẩn, số lượng học sinh trúng tuyển một cách chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các hướng nghiên cứu của PGS Thắng và giảng viên trong xử lí và phân tích dữ liệu lớn trong công nghệ phần mềm đã giúp Bách khoa trở thành ngôi trường đi đầu trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Từ 2009 đến nay, trên cương vị là người quản lí, PGS Huỳnh Quyết Thắng trở thành thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên, khi luôn giữ chất mộc mạc, chân thành của người Bách khoa và tạo mọi nguồn lực để mỗi nhà giáo, mỗi sinh viên Bách Khoa có cơ hội được thể hiện khả năng, sự sáng tạo của mình trong nhiều lĩnh vực. Điều này đã được chứng minh bằng việc Đại học Bách khoa Hà Nội lọt top 801-1000 trường đại học tốt nhất thế giới; trở thành trường đại học có sinh viên được nhiều doanh nghiệp săn đón nhất từ khi chưa ra trường.
Đặc biệt, trong thời gian cả nước căng mình chống dịch COVID-19, nhà giáo ưu tú Huỳnh Quyết Thắng, thầy và trò Đại học Bách khoa Hà Nội đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chỉ đạo và tạo điều kiện để các giảng viên, sinh viên thực hiện sáng chế, chế tạo thành công nhiều sản phẩm như dung dịch khử khuẩn, bộ kit thử nhanh virus corona RT-Lamp, buồng khử khuẩn toàn thân di động, robot tự hành giám sát truyền dịch… Đây là những việc làm thiết thực, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Lan tỏa ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng
Hiện nay, là người đứng đầu của một cơ sở giáo dục có quy mô đào tạo hàng nghìn sinh viên, phải lo cuộc sống, đảm bảo thu nhập cho khoảng 2.000 cán bộ, giảng viên, người lao động, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng thừa nhận có rất nhiều áp lực. Đặc biệt, sau quá trình tự chủ đại học, Bách khoa Hà Nội đã tiến lên một bước mới, trở thành một trong hai trường đại học công lập trên cả nước có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng, khẳng định được thương hiệu riêng. Làm thế nào để phát huy và phát triển hơn nữa, để vượt qua các đỉnh cao đã xác lập?
“Không có cách nào khác phải tiếp tục sáng tạo và trong hành trình đó, con người là chủ thể, là động lực phát triển. Tôi luôn trăn trở làm sao để phát huy được năng lực sáng tạo của các thầy cô một cách tốt nhất. Làm thế nào để người học được học nghề ham thích, phát huy được năng lực sáng tạo của các em. Sinh viên được tham gia quá trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, từ đó trở thành người có ích hơn cho xã hội”- Giám đốc Đại học Bách khoa chia sẻ.
Từ những trăn trở đó, ông và các lãnh đạo của nhà trường đã kết nối với các cựu sinh viên, doanh nghiệp để thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo – BK Fund, là nơi sinh viên chỉ cần có ý tưởng, dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp. Các thầy cô, nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa, các cựu sinh viên, doanh nghiệp sẽ đồng hành để cùng biến ý tưởng thành những sản phẩm, dự án hữu ích, ứng dụng được trong đời sống.
Gắn học với hành, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế – xã hội… cũng là hướng mà PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng và tập thể giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội đang hướng tới. Bởi theo quan niệm của thầy: “Sẽ rất lãng phí nếu trong suốt 5 năm đại học, một em sinh viên nào đó đặc biệt xuất sắc, có nhiều ý tưởng hay nhưng những ý tưởng ấy chỉ dừng lại ở một đồ án tốt nghiệp loại xuất sắc, mà không lan tỏa được ý tưởng sáng tạo ra cộng đồng”.
Là một trong những cá nhân và tập thể được vinh danh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam năm 2023”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng là tấm gương điển hình về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn 20 năm làm việc tại Bách khoa Hà Nội, ông có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng tuyển sinh, tham gia xây dựng đề án chuyển đổi mô hình tổ chức của Bách khoa Hà Nội hướng tới một đại học đa ngành, đa lĩnh vực ngang tầm quốc tế và góp phần nâng cao vị thế của trường trên hệ thống xếp hạng thế giới.