Thành công nhờ những trăn trở, đau đáu với người bệnh
Sau cuộc phỏng vấn dài, ngồi nghe PGS Vinh tâm sự chuyện đời, chuyện nghề, tôi bị thu hút nhất là đôi bàn tay với các ngón tay muốt dài của ông, thỉnh thoảng đôi bàn tay lại đan vào nhau khi nói chuyện. Cũng nhờ bàn tay này, ông được mệnh danh là người có “đôi bàn tay vàng” trong làng phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ. Nổi tiếng nhất phải kể đến là kỹ thuật ghép da tái tạo gương mặt, bằng kỹ thuật vi phẫu, tức là nối các mạch máu có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng 1/4 sợi tóc mà ông đã dày công nghiên cứu và thực hành trong nhiều năm.
Năm 2000, bác sĩ Vũ Quang Vinh thi và giành học bổng của Chính phủ Nhật Bản, sang tu nghiệp tại Đại học Y khoa Nippon, trở thành học trò xuất sắc của giáo sư Hiko Hyakusoku, chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tạo hình vi phẫu.
“Trong một lần đọc bài báo vạt da siêu mỏng của giáo sư Hyakusoku mà cố giáo sư tiến sĩ Lê Thế Trung đưa, tôi đã đọc và thấy khác lạ so với các kiến thức mình đã học. Tôi học hỏi và làm theo kỹ thuật này vì nó rất hữu ích cho bệnh nhân di chứng bỏng, thực hiện trên 3 ca thì được 2 ca thành công, một ca thất bại. Nhưng tôi cũng không biết vì sao lại thành công, vì sao lại hỏng… Muốn tìm hiểu sâu hơn, tôi mạnh dạn viết thư cho thầy. Cũng nghĩ rằng viết thư cho thỏa mong ước của mình lúc đó thôi, chắc gì thầy đã đọc. Thế nhưng, 1 tháng sau, tôi nhận được thư hồi âm và thầy đã sang tận nơi mổ thị phạm và chỉ cho tôi biết phải làm như thế nào. Từ đó, tôi có cơ hội được trao đổi, học hỏi thầy trong suốt nhiều năm sau” – PGS Vinh kể lại cơ duyên ông trở thành học trò của người thầy nổi tiếng.
“Hiện tại phương pháp ghép vạt siêu mỏng mà chúng tôi thực hiện đang thuộc Top đầu thế giới, nếu như không muốn nói là nhất thế giới. Thầy tôi còn khen: Anh Vinh, anh đã đưa kỹ thuật ghép da bằng vạt siêu mỏng lên một tầm cao mới, quả thật thầy không nghĩ em về có thể triển khai và hoàn thiện tốt hơn kỹ thuật này” – PGS Vinh mỉm cười tự hào nói.
Năm 2019, bà Nguyễn Thị Sáu – người phụ nữ nửa thế kỷ phải sống chung với hàm răng “kỳ dị”, toàn bộ vùng da cổ dính liền vào cằm, không thể ngoái cổ được do một lần bị ngã vào bếp lửa từ khi mới 6 tuổi, dẫn đến bị tàn tật nặng nề. Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó, bà Sáu không được đến bệnh viện điều trị khiến những tổn thương ngày càng trầm trọng. Nhìn những bức ảnh chụp bà Sáu, ai cũng dễ dàng bị kinh sợ và thương cảm cho những đau đớn, khổ sở khủng khiếp mà bà Sáu phải chịu đựng. Cho đến khi được các nhà hảo tâm, cơ quan truyền thông đưa đến Viện Bỏng Quốc gia, bà Sáu may mắn được PGS.TS Vũ Quang Vinh trực tiếp phẫu thuật.
“Ca phẫu thuật năm đó hoàn toàn thành công. Ca mổ vi phẫu kéo dài 5 tiếng đồng hồ để giải phóng toàn bộ co kéo môi, miệng, mắt, mũi cho bệnh nhân. Sau đó tôi sử dụng 1 vạt da nối vi mạch vi phẫu ở vùng lưng được sử dụng để tái tạo lại vùng cổ cho chị. Bệnh nhân đã có một diện mạo mới, một cuộc sống mới. Chị đã ngậm được miệng, ngoái được cổ, và phần sẹo co kéo cằm cổ đã biến mất. Đó là một bệnh nhân mà tôi rất ấn tượng”- PGS Vinh chia sẻ.
Sau ca mổ kỳ tích đó, bà Sáu đã trở về với cuộc sống hàng ngày với một gương mặt khác – đó là gương mặt đẹp nhất, hạnh phúc nhất sau hơn 50 năm phải chịu đựng những giày vò về thể xác và tinh thần, sau cú ngã vào bếp lửa đáng sợ kia.
Ám ảnh nhất phải kể đến những người phụ nữ bị bỏng axit, gương mặt hoàn toàn bị biến dạng. Họ đau khổ, uất ức, sợ hãi, thậm chí nhiều người muốn tự tử để chấm dứt cuộc đời đau khổ. Chị Lê Thị L.V (24 tuổi, trú tại Đà Nẵng) bị chồng sắp cưới tạt axít, nửa gương mặt cháy đen; hay bệnh nhân Nguyễn Thị H, ở Thanh Hóa bị bỏng trùm đầu và mặt… là những người phụ nữ bất hạnh như vậy.
Với đôi bàn tay vàng khéo léo của mình, bác sĩ Vinh đã thuần thục sử dụng phương pháp ghép da bằng vạt da siêu mỏng thực hiện những ca phẫu thuật ghép da mặt như một kỳ tích. Sau khi bóc lớp băng gạc màu trắng, những người phụ nữ ấy đã sửng sốt trước diện mạo mới của mình. Các cuộc phẫu thuật đó đã trả lại gương mặt, tìm lại nụ cười để những người phụ nữ đó tự tin bước tiếp sau những biến cố của cuộc đời.
Đào tạo những thế hệ học trò biết cách sống tử tế với nghề
Tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, kỹ thuật nội soi chẩn đoán và điều trị bỏng hô hấp; kỹ thuật cắt bỏ phần hoại tử trong 72 giờ đầu; kỹ thuật ghép da mảnh siêu nhỏ che phủ vết bỏng sâu; sử dụng vật liệu thay thế tạm thời để che phủ vết thương; sử dụng sản phẩm công nghệ nuôi cấy tế bào… là những kỹ thuật đã được tập thể các thầy thuốc Bệnh viện Bỏng quốc gia thực hiện, trong đó có sự đóng góp của PGS Vũ Quang Vinh.
Hàng nghìn người bệnh đã được thụ hưởng những thành quả lao động miệt mài của vị bác sĩ đam mê với tạo hình thẩm mĩ trong nhiều năm qua. Không chỉ các bệnh nhân trong nước, mà nhiều bác sĩ, chuyên gia quốc tế cũng đã và đang trao đổi, học tập kỹ thuật từ Việt Nam để mang về điều trị rộng rãi cho bệnh nhân nước họ. PGS Vinh cũng là cánh chim đầu đàn góp phần đưa thành công của y học Việt Nam ra thế giới.
Đặc biệt, ứng dụng kỹ thuật vi phẫu điều trị di chứng bỏng của Bệnh viện Bỏng Quốc gia được Bộ Y tế đánh giá là một trong 10 thành tựu của y học cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Việc quan trọng mà ông cho rằng mình cần phải làm song song với công tác khám chữa bệnh, điều trị cứu người, đó là đào tạo ra thế hệ kế cận, tiếp nối và phát triển các kỹ thuật tạo hình thẩm mĩ đặc biệt mà ông đang làm. Nhìn những lứa học trò đang ngày một trưởng thành và hoàn thiện về tay nghề, về kỹ năng, PGS Vinh luôn tự hào, cảm thấy con đường mình đang đi là đúng đắn.
“Học trò của tôi, tôi luôn truyền nghề và phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với người bệnh. Phẫu thuật thẩm mĩ là làm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội. Nếu không làm giỏi, không làm đẹp thì cũng không có khách hàng, không nuôi sống được gia đình. Nhưng đã là bác sĩ phẫu thuật tạo hình phải có trách nhiệm đối với mảnh đời bất hạnh do các di chứng bỏng, chấn thương, ung thư… Do vậy, luôn luôn không ngừng học hỏi, sáng về y đức, giỏi về y thuật để xứng danh vị đại danh y Lê Hữu Trác mà bệnh viện vinh dự được mang tên.
Thực tế các học trò của ông nay đã thành danh, có nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực tạo hình thẩm mĩ,nhưng vẫn luôn thực hiện được không ít ca mổ khó, giúp thay đổi cuộc đời của những người bất hạnh.
Xem những bức ảnh các bệnh nhân trước và sau khi được phẫu thuật, tôi cứ nghĩ mãi đến những người họa sĩ tài ba, họa những gương mặt rất đẹp. Thế nhưng, những gương mặt mà PGS Vinh đã vẽ lại, đã giúp người bệnh, nhất là những người phụ nữ trở về cuộc sống đời thường bằng chính gương mặt thật của mình. Dù mỗi cuộc “vẽ lại gương mặt người” là vô vàn khó khăn, thách thức trong phòng mổ, nhưng đổi lại, PGS Vinh hạnh phúc khi được hoàn thành công việc đam mê của mình, hạnh phúc khi nhận lại những nụ cười, những nét mặt vui. Vẻ đẹp của những bức tranh ấy rất đời, rất nhân văn.