Ý tưởng truyền năng lượng mặt trời từ không gian xuống mặt đất không phải là một ý tưởng mới. Năm 1968, một kỹ sư của NASA tên là Peter Glaser đã đưa ra thiết kế ý tưởng này cho một vệ tinh chạy bằng năng lượng mặt trời. Nhưng dường như đến tận 55 năm sau các nhà khoa học mới thực sự thực hiện một thí nghiệm thành công, theo Engadget.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Caltech (Mỹ) đã công bố hôm 1.6 rằng nguyên mẫu đã được đưa vào không gian của họ, được gọi là Space Solar Power Demonstrator (SSPD-1), đã thu thập ánh sáng mặt trời, biến nó thành điện năng và chiếu tới các máy thu vi sóng được lắp đặt trên mái nhà trong khuôn viên tại trụ sở ở Pasadena (Mỹ) của Caltech.
“Theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, chưa ai chứng minh được khả năng truyền năng lượng không dây trong không gian, ngay cả với các cấu trúc phần cứng đắt tiền. Chúng tôi đang thực hiện điều đó với các cấu trúc nhẹ, linh hoạt và với các mạch tích hợp của riêng mình”, Ali Hajimiri, giáo sư về kĩ thuật điện và kĩ thuật y tế, đồng giám đốc Dự án Năng lượng Mặt trời Không gian của Caltech (SSPP) cho biết trong một thông cáo báo chí.
Thí nghiệm này được gọi đầy đủ là Mảng vi sóng cho Thí nghiệm quỹ đạo thấp truyền năng lượng (hay viết tắt là MAPLE). Nó là một trong ba dự án nghiên cứu đang được thực hiện trên vệ tinh SSPD-1. Theo Caltech, nỗ lực này liên quan đến hai mảng máy thu riêng biệt và máy phát vi sóng nhẹ với chip tùy chỉnh.
Trong thông cáo báo chí của mình, nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng thiết lập truyền dẫn được thiết kế nhằm giảm thiểu lượng nhiên liệu cần thiết để đưa chúng lên vũ trụ và thiết kế cũng cần phải đủ linh hoạt để các thiết bị truyền phát có thể được xếp gọn gàng trên một tên lửa.
Thu năng lượng mặt trời dựa từ vũ trụ vốn đã trở thành một “chén thánh” trong cộng đồng khoa học. Mặc dù ở hiện tại, công nghệ này vẫn khá đắt tiền, nhưng nó hứa hẹn một nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng không giới hạn, với các tấm pin mặt trời trong vũ trụ có thể thu ánh sáng mặt trời bất kể thời gian nào trong ngày. Nikkei lưu ý rằng việc sử dụng vi sóng để truyền năng lượng cũng có nghĩa là mây che phủ sẽ không gây nhiễu.
Dự án Năng lượng Mặt trời Không gian (SSSP) của Caltech không phải là nhóm duy nhất đang cố gắng biến công nghệ thu năng lượng mặt trời trong không gian thành hiện thực. Cuối tháng 5, vài ngày trước thông báo của Caltech, cơ quan vũ trụ Nhật Bản, JAXA, đã công bố một quan hệ đối tác công-tư nhằm mục đích gửi năng lượng mặt trời từ vũ trụ về mặt đất vào năm 2025.
Dự án Năng lượng Mặt trời Không gian được thành lập vào năm 2011. Ngoài MAPLE, SSPD-1 đang được sử dụng để đánh giá xem loại tế bào nào làm việc hiệu quả nhất mà vẫn tồn tại trong các điều kiện vũ trụ.