Lặn lội quãng đường dài hơn 100km từ Phú Thọ đến Hà Nội, anh Nguyễn Bá Quang, 43 tuổi (Phú Thọ) vẫn giữ nụ cười trên môi, nhanh chóng tìm cho con phòng chờ có điều hoà để nghỉ ngơi, còn mình thì tận dụng các bóng râm trong khuôn viên trường ngả lưng.
Theo anh Quang, phụ huynh đưa con đi thi thì chịu khổ một chút cũng không hề hấn gì, miễn sao con được ăn uống đầy đủ, có chỗ ở mát mẻ là được.
“Tôi hài lòng vì con mình còn may mắn hơn các thí sinh khác. Nhiều người còn không có chỗ ăn chỗ ở, tá túc khắp nơi nên rất khổ sở và vất vả” – anh Quang nói.
Là phụ huynh của 1 trong số hơn 1.000 thí sinh tham gia thi lớp 10 vào Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn, anh Bùi Trọng Nghĩa (Long Biên, Hà Nội) vẫn đang cố tìm một nơi để tranh thủ cho con gái nghỉ trưa.
“Biết trước hoàn cảnh thi thố sẽ vất vả và gian nan nhưng vì con tôi có thể làm tất cả. Phải tạo mọi điều kiện tốt để các cháu đi thi có tâm thế thoải mái nhất” – anh Nghĩa bày tỏ.
Anh Nghĩa cho biết thêm, cả tuần nay hai vợ chồng anh thay nhau xin nghỉ làm để cho con đi thi, dù cực nhọc là thế nhưng anh Nghĩa và vợ luôn động viên nhau để con có được tâm lí thoải mái, không gây áp lực lên con.
“Chẳng ai thích cảnh chầu chực này, nay chỗ này mai chỗ kia để chờ đợi con. Nhưng mình không cố thì con lại không chỗ nương tựa. Dù sao thì chiều nay cũng là môn thi cuối cùng của con, tôi chỉ mong con hoàn thành được mục tiêu của mình” – anh Nghĩa kể.
Không chỉ riêng anh Quang hay anh Nghĩa, chị Bùi Như Vân (Vĩnh Phúc) cũng thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ khi đưa con đi thi.
Chị Vân tâm sự: “Nắng nóng như này cây cối còn héo lụi. Tôi phải mua tạm cho con chiếc bánh mì với cung cấp nước uống thường xuyên để con tiếp tục chiến đấu trong bài thi chiều nay”.
Chiều nay, các thí sinh tham gia kì thi dự tuyển lớp 10 Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn phải có mặt lúc 2 giờ tại phòng thi để làm bài thi môn chuyên.
Kết quả thi của thí sinh sẽ được công bố trên website của nhà trường trước ngày 1.7.2023.