Theo kế hoạch đã ban hành, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023 – 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 10 và 11.6 tới.
Thời điểm này, các học sinh đang cố gắng hết sức để ôn luyện 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh cho kỳ thi quan trọng này. Trong đó, môn Ngữ Văn khiến nhiều thí sinh lo lắng và dành nhiều thời gian ôn tập.
“Em thấy việc ôn thi môn Ngữ văn là khó nhất, đặc biệt là trong phần ghi nhớ thông tin chung của tác phẩm” – em Nguyễn Huy Tuấn – học sinh Trường THCS Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Thực tế, qua những mùa tuyển sinh các năm trước, không ít em vì học tủ, học vẹt mà mất điểm oan môn học này.
Với nhiều kinh nghiệm ôn thi Ngữ văn vào lớp 10, cô Trịnh Ngọc Ánh – giáo viên Ngữ văn Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cảnh báo thí sinh, học tủ, học vẹt là cách học sai lầm.
“Bản chất học tủ sẽ chỉ làm các em nhớ kiến thức máy móc sau đó quên ngay. Điều này vừa không giúp các em thu nạp kiến thức, vừa gây ra những hậu quả đáng tiếc” – cô Ánh lưu ý.
Thay vì học tủ, cô Ánh khuyên thí sinh nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức, kỹ năng mà thầy cô đã trang bị, từ đó khi vào phòng thi các em sẽ tự chủ và có tâm lí vững vàng.
Theo các giáo viên, cấu trúc đề thi vào 10 Hà Nội thường gồm 2 phần. Phần I gồm đọc hiểu văn bản trong sách giáo khoa và tạo lập đoạn văn nghị luận văn học, chiếm khoảng 60-70% số điểm. Đây là phần yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức đã học và kĩ năng nghị luận về thơ và nghị luận về truyện.
Phần II của đề thi chiếm từ 30-40% số điểm, yêu cầu học sinh đọc hiểu văn bản ngoài sách giáo khoa và tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội. Việc này đòi hỏi học sinh có kĩ năng đọc hiểu tốt.
Với cấu trúc đề thi như vậy, thầy Phạm Hữu Cường – giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) khuyên thí sinh nên tập trung, hệ thống kiến thức thông qua sơ đồ tư duy.
“Cách thức này sẽ giúp các em học sinh hệ thống ý một cách chặt chẽ, đầy đủ nhưng tinh giản nhất. Hơn nữa, khi lập sơ đồ tư duy, nhớ các hệ thống luận điểm chính, các em sẽ nắm được ý nhỏ, triển khai tốt” – thầy Cường nói.