Bà Cù Thị Hậu – nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – nêu ý kiến trên tại Hội thảo lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) diễn ra ngày 4.6 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Huỳnh Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Bà Cù Thị Hậu cho rằng, dịch COVID-19 đã làm nhiều người lao động mất việc làm; hiện nay do tình hình thế giới, doanh nghiệp suy giảm đơn hàng, nhiều người lao động không có việc làm. Trong tình hình đó, người lao động hết sức khó khăn, quyền, lợi ích mà họ cần nhất là về việc làm, thu nhập để nuôi gia đình, chăm lo con học hành. Đây cũng là vấn đề lớn nhất đặt ra đối với tổ chức công đoàn.
“Trước tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động phải là nhiệm vụ hàng đầu của công đoàn, để xứng đáng là tổ chức lớn nhất của người lao động” – bà Cù Thị Hậu nói.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, theo bà Hậu, cần có chiến lược đối với đội ngũ công đoàn để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong bối cảnh tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp ra đời.
Bà Hậu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, bởi lẽ cấp cơ sở sẽ nắm bắt trực tiếp người lao động nghĩ gì, muốn gì, làm gì; nếu cán bộ công đoàn cơ sở không có năng lực, nhiệt tình, sâu sát thì công đoàn sẽ không thu hút được người lao động.
Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ mong muốn Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần nêu rõ nội dung đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn xuất thân từ công nhân để đảm nhận các nhiệm vụ tại cơ sở.
Ở góc độ khác, ông Hoàng Minh Chúc – nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã chủ trương xây dựng giai cấp công nhân hiện đại. Để triển khai thực hiện có kết quả thực sự mà không phải là một khẩu hiệu thì Công đoàn Việt Nam cần lượng hóa việc thực hiện để ghi vào nhiệm vụ người đoàn viên và cán bộ công đoàn, các cấp công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về những điều cụ thể của điều lệ liên quan đến cán bộ công đoàn; thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; công đoàn ngành trung ương…; về ngôn ngữ, cấu trúc của điều lệ…
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, mỗi kỳ đại hội công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều được quan tâm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn lịch sử cũng như phù hợp với các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Quá trình thực hiện các quy định của điều lệ đã phát huy tác dụng ở các cấp công đoàn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên và người lao động.
Trước nhiều yêu cầu mới đặt ra, nhất là nhu cầu, nguyện vọng cao hơn của đoàn viên, người lao động; với khát vọng phát triển đất nước hùng cường; hội nhập quốc tế ngày càng sôi động, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối chính sách pháp luật để thể chế hoá, cụ thể hoá cho phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, trong đó có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ chức công đoàn, đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
“Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02 với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể để đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định hành lang pháp lý cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động độc lập bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam; nhiều vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Những vấn đề chưa có tiền lệ đối với tổ chức Công đoàn thì cần nghiên cứu, cụ thể hoá để đưa vào Điều lệ sửa đổi, bổ sung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam” – ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần được sửa đổi để thích ứng với tình hình mới. Việc sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam cũng nhằm nâng cao sức “đề kháng” của công đoàn; khả năng thu hút và dẫn dắt của tổ chức công đoàn…