Dữ liệu của Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE) cho thấy Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho Tây và Trung Âu thông qua Ukraina.
Theo GIE, EU tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì mong muốn cắt giảm nhập khẩu từ Nga. Tỉ trọng xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU trong tháng 5 vẫn cao hơn khối lượng cung cấp khí đốt từ Anh.
Tỉ lệ giao khí đốt từ phương Đông, bao gồm cả Nga, đã giảm xuống 7,2% trong năm nay. Theo GIE, con số này ít hơn so với lượng cung cấp khí đốt từ Bắc Phi (9,8%) nhưng nhiều hơn lượng khí đốt từ Vương quốc Anh (6,9%).
Dữ liệu cho thấy các kho dự trữ khí đốt của EU hiện đầy 68,87% do lượng sử dụng giảm 31% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, lượng LNG đổ vào hệ thống truyền dẫn khí đốt của châu Âu trong tháng 5 đã đạt kỷ lục, đạt 12 tỉ mét khối – GIE cho biết.
Năm 2023, LNG trở thành nguồn khí đốt chính của EU, chiếm 35% tổng lượng nhập khẩu vào khối, theo Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt châu Âu (ENTSOG).
Nguồn cung cấp LNG từ khu vực Biển Bắc, chủ yếu từ Na Uy, chiếm 26% lượng nhập khẩu kể từ đầu năm và 12% được rút từ các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất.
Theo dữ liệu của công ty, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga tiếp tục cung cấp 40,6 triệu mét khối/ngày cho Tây và Trung Âu qua lãnh thổ Ukraina thông qua trạm bơm khí Sudzha.
Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov tuyên bố các nước phương Tây không ngừng mua năng lượng của Nga bất chấp lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và EU áp đặt lên Mátxcơva.
RT đưa tin, lợi nhuận ròng tại nhà sản xuất dầu khí lớn nhất của Nga, Rosneft, đã tăng 45,5% trong quý 1 năm nay so với ba tháng trước đó, đạt 323 tỉ rúp (4 tỉ USD) do sản lượng tăng.
Các nhà phân tích được Interfax thăm dò đã dự đoán con số này nhỏ hơn nhiều, ở mức 2,9 tỉ USD.
Sản lượng dầu khí trong quý 1.2023 tăng 0,8% so với quý 4.2022, vượt 4 triệu thùng mỗi ngày. Sản xuất tại dự án Sakhalin-1 ở Viễn Đông của Nga tăng 180% so với quý trước.
Tuy nhiên, ông Igor Sechin, giám đốc điều hành của Rosneft, cảnh báo rằng các hoạt động sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi quyết định của Nga về việc giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5%, nhằm thúc đẩy thị trường dầu mỏ toàn cầu.
“Mặc dù việc cắt giảm không ảnh hưởng nhiều đến kết quả quý 1 năm 2023, nhưng nó sẽ tác động mạnh đến kết quả của quý tiếp theo” – ông cảnh báo.
Rosneft cho rằng lợi nhuận tăng lên là do tăng doanh số bán năng lượng cho Ấn Độ và các quốc gia “thân thiện” khác.
Ấn Độ – nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới – đã tăng cường mua dầu của Nga ngay sau khi Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina và chịu các biện pháp trừng phạt tiếp theo của phương Tây.
Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu của nước này. New Delhi tiếp tục dự trữ nguồn cung từ Nga, ngay cả sau khi mức giá trần của G7 đối với dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào cuối năm ngoái.
Ông Sechin gần đây cho biết, Mátxcơva và New Delhi đã đồng ý “tăng đáng kể” nguồn cung dầu thô cho Ấn Độ.