Ngày 3/6, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat kêu gọi đoàn kết và phối hợp tích cực các nỗ lực khu vực và lục địa để giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Sudan trong một cuộc họp được tổ chức tại Luanda, thủ đô của Angola.
Phát biểu tại hội nghị cấp cao bất thường của Hội nghị quốc tế về vùng Hồ lớn (ICGLR), Chủ tịch Ủy ban AU nhấn mạnh rằng giải pháp lâu dài duy nhất cho các cuộc khủng hoảng ở châu Phi là hòa bình, đối thoại và thỏa hiệp mang tính xây dựng. Ông kêu gọi tất cả các bên cam kết đi theo con đường này.
Ông Moussa Faki thông báo rằng Ủy ban AU đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh để tập hợp Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Trung Phi, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi, ICGLR và Cộng đồng Đông Phi (EAC).
Mô tả tình hình an ninh trong khu vực là “thảm khốc,” với những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng, ông Moussa Faki lưu ý đến những thách thức an ninh cản trở sự phát triển, chẳng hạn như sự trỗi dậy của các nhóm vũ trang như Phong trào 23/3, mối đe dọa khủng bố của Lực lượng Dân chủ Đồng minh, và sự khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên.
Ông bày tỏ sự đánh giá cao của AU đối với việc triển khai Lực lượng khu vực EAC ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo và các quốc gia đóng góp quân đội vì sự cống hiến của họ trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng lại niềm tin vào lãnh đạo cấp cao.
Bạo lực đã lan rộng khắp miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo trong nhiều năm qua với các vụ giết người, hãm hiếp và hành hình do các lực lượng phiến quân có vũ trang từ các nhóm khác nhau bao gồm M23 và Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF) thực hiện.
[CHDC Congo: 9 người thiệt mạng trong vụ tấn công của phiến quân]
Cộng hòa Dân chủ Congo cáo buộc nước láng giềng Rwanda ủng hộ phiến quân M23, chủ yếu gồm các thành viên thuộc nhóm sắc tộc Tutsi đến từ miền Đông Congo.
Rwanda bác bỏ cáo buộc và cáo buộc Cộng hòa Dân chủ Congo ngược đãi người Tutsi và kích động hận thù dân tộc chống lại họ.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, sự hồi sinh của nhóm phiến quân M23 kể từ tháng 11/2021 đã khiến ít nhất 500.000 người phải sơ tán.
Về các cuộc khủng hoảng ở Sudan, ông Moussa Faki nhấn mạnh rằng trách nhiệm chính để tìm ra giải pháp mà không cần dùng đến biện pháp quân sự “phải đến từ chính người dân Sudan.”
Ông cho biết AU đang làm mọi thứ có thể để thu hút càng nhanh càng tốt các bên tham gia đối thoại chính trị toàn diện, hoàn toàn phù hợp với họ. Theo đó, đây là cách duy nhất để “Sudan thoát khỏi cảnh nội chiến và toàn bộ khu vực khỏi hỗn loạn.”
Xung đột giữa quân đội Sudan do Tư lệnh Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và nhóm bán quân sự RSF của cựu Phó Tư lệnh Mohamed Hamdan Daglo nổ ra từ ngày 15/4.
Theo thống kê, hơn 1.800 người đã thiệt mạng trong 6 tuần giao tranh vừa qua. Liên hợp quốc cho biết gần 1,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tới nơi khác trong nước và sang các nước láng giềng, trong đó hơn 100.000 đã trốn chạy sang Cộng hòa Chad.
Cao Ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) dự báo sẽ có thêm khoảng 200.000 người buộc phải di tản sang quốc gia láng giềng này trong 3 tháng tới./.