Thời gian gần đây, Brazil và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại bằng nội tệ, tìm cách bỏ qua giá trị của đồng USD.
Tháng 4.2023, Ấn Độ và Malaysia cũng ký một thỏa thuận tăng cường sử dụng đồng rupee trong kinh doanh xuyên biên giới thay vì USD. Ngay cả Pháp – đồng minh lâu năm của Mỹ – cũng bắt đầu hoàn tất các giao dịch bằng nhân dân tệ.
Đối với các nhà lãnh đạo toàn cầu, lý do họ áp dụng biện pháp không sử dụng đồng USD rất giống nhau. Các chính trị gia cho rằng đồng bạc xanh đang được “vũ khí hóa”, được sử dụng để thúc đẩy các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhằm trừng phạt những quốc gia có thái độ thù địch.
Không nơi nào bị ảnh hưởng bởi đồng USD “vũ khí hóa” rõ ràng hơn tại Nga – nơi Mỹ gây ra tổn thất tài chính chưa từng có đối với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin, nhằm đáp trả cuộc xung đột Ukraina.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, đóng băng hàng trăm tỉ USD dự trữ ngoại hối của Nga. Đồng thời Mỹ đã phối hợp với các đồng minh phương Tây loại trừ Nga khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Đối với phần lớn thế giới, Nga là một ví dụ nhắc nhở rõ ràng về sự phụ thuộc của các quốc gia vào đồng USD, bất kể họ nghĩ gì về xung đột.
Theo giới phân tích, dựa vào đồng bạc xanh để chiến đấu trên các mặt trận địa chính trị, Mỹ không chỉ có nguy cơ làm mất đi vị thế ưu việt của USD trên thị trường thế giới, mà cuối cùng tầm ảnh hưởng của Washington cũng bị suy yếu.
Ông Daniel McDowell, tác giả của cuốn sách Bucking The Buck nhận định: “Có thể sự thay đổi lúc này là không đáng kể, và đến cuối cùng vẫn không có thứ gì đủ khả năng truất ngôi đồng USD; song điều quan trọng là làn sóng phản đối của các quốc gia vẫn có thể làm giảm sức mạnh kinh tế Mỹ”.
Theo The Straits Times, một phần của sự thay đổi trong giá trị đồng USD có sự góp phần của Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách tạo ra vai trò lớn hơn cho đồng nhân dân tệ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc cũng ưu tiên mở rộng việc sử dụng đồng nội tệ của họ ở nước ngoài.
Nhiều quốc gia khác cũng đang thể hiện sự nỗ lực thoát khỏi sự chế ngự của đồng USD mà không có sự tham gia của Bắc Kinh. Vài tuần trước, Hàn Quốc và Indonesia đã ký một thỏa thuận nhằm thúc đẩy trao đổi trực tiếp đồng won và rupiah.
Tháng 4.2023, Ấn Độ và Malaysia – hai quốc gia không phải là đồng minh chiến lược của Trung Quốc – đã công bố một cơ chế mới để tiến hành thương mại song phương bằng đồng rupee.
Tuy nhiên, theo dữ liệu gần đây nhất từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, khoảng 88% giao dịch ngoại hối toàn cầu, ngay cả những giao dịch không liên quan đến Mỹ hoặc các công ty tại xứ cờ hoa, vẫn sử dụng đồng USD.
Trên thực tế, đồng USD đã tăng giá kể từ khi Mỹ tăng cường trừng phạt Nga vào năm ngoái – một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm vị thế toàn cầu của đồng USD là một quá trình diễn ra lâu dài và chậm chạp.
Ông George Boubouras, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại K2 Asset Management, Melbourne, cho biết: “Không gì có thể sánh được với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc có vấn đề với dân số già, đồng Euro cũng phải vật lộn để thực sự giành được chỗ đứng. Vậy nên USD chắc chắn sẽ không bị truất ngôi trong tương lai gần”.