Nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch Lego cho biết, các nhà máy chuyển đến Việt Nam phải ngừng đặt lợi nhuận lên trên môi trường, khi chuỗi cung ứng chuyển dịch từ Trung Quốc tiếp tục đưa các doanh nghiệp mới vào Việt Nam, Nikkei Asia thông tin.
Phát biểu tại một diễn đàn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Lego Preben Elnef bày tỏ sự không đồng tình với việc các công ty ấn định lợi nhuận ngắn hạn vì cho rằng họ phải chịu chi phí sản xuất sạch.
“Đã có rất nhiều doanh nghiệp tập trung vào “tìm một nơi sản xuất rẻ để có thể bán sản phẩm với lợi nhuận cao nhất. Nhưng chúng ta phải thay đổi điều đó” – ông Elnef nói.
Lego đang xây dựng một nhà máy trung hòa carbon trị giá 1 tỉ USD ở Việt Nam. Công ty cho biết đã có một thông điệp cho Việt Nam, cụ thể là khoản đầu tư của hãng vào Việt Nam phụ thuộc vào việc bảo vệ môi trường.
“Các bạn cần phải hết sức nghiêm túc về các mục tiêu môi trường của mình” – ông Elnef nói, đồng thời cho biết Lego “sẽ theo dõi” tiến độ đáp ứng các mục tiêu đó. Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Lego đã động thổ xây dựng nhà máy tại Việt Nam trên một khu đất có diện tích bằng 60 sân bóng đá vào tháng 11.2022. Ông Elnef cho hay, nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới chọn tỉnh Bình Dương để xây dựng nhà máy dựa trên các điều kiện về xử lý rác thải, tiết kiệm nước và năng lượng mặt trời.
Ông nói thêm, Lego cũng đang tìm cách thu hút người lao động, như bảo lãnh cho các đơn thế chấp của họ. Ông chỉ ra, những người lao động nhập cư thường sống trong những ngôi nhà tạm bợ hoặc gặp khó khăn trong việc đăng ký cho trẻ em đi học và Lego đã yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ trong những lĩnh vực này.
Cách tiếp cận của Lego, theo ông Elnef, ban đầu đã gây ngạc nhiên. Giới chức bất ngờ khi nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch quan tâm tới vấn đề năng lượng tái tạo và hỗ trợ người lao động chứ không phải giảm thuế.
“Họ đã quen với việc các công ty tiếp cận theo hướng như: ‘Chúng tôi muốn có một thỏa thuận thuế đặc biệt trong 10 năm hoặc 20 năm tới hoặc một số hình thức hỗ trợ tài chính khác'” – ông nói tại diễn đàn ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nikkei chỉ ra, những cam kết về môi trường, xã hội và quản trị ESG cũng được xem là một vấn đề đáng chú ý với khu vực tư nhân. Ví dụ, châu Âu và Mỹ đã đe dọa phạt tiền và áp đặt một số khoản tiền phạt với hành vi tẩy xanh (greenwashing) hoặc quảng cáo thân thiện với môi trường một cách sai lệch để đánh bóng thương hiệu của các doanh nghiệp.
Dự án khổng lồ của Lego ở Việt Nam, chủ yếu chạy bằng năng lượng mặt trời, sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để đúc, xử lý và đóng gói các sản phẩm đồ chơi bằng nhựa do công ty 90 tuổi của Đan Mạch sản xuất.
Cơ sở tại Việt Nam dự kiến trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu thứ 6 của Lego và là nhà máy thứ 2 ở châu Á. Khi hoạt động, nhà máy sẽ góp phần tạo ra 4.000 việc làm.
Nhà máy cũng được kỳ vọng sẽ giúp Lego mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng, qua đó đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở mỗi khu vực.
“Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện hợp tác với các công ty nước ngoài đang tìm kiếm đầu tư chất lượng cao. Đây là một trong những yếu tố khiến chúng tôi quyết định xây dựng tại Việt Nam” – SCMP dẫn lời ông Carsten Rasmussen – giám đốc điều hành của Tập đoàn Lego – chia sẻ vào tháng 12.2021.