Trái phiếu tiếp tục đắt hàng
Số liệu vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố cho thấy, trong tháng 5.2023, đơn vị này tổ chức 17 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ cho Kho bạc Nhà nước, với tổng khối lượng trúng thầu đạt 23.269 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ trúng thầu đạt 75,06% trên giá trị gọi thầu.
Như vậy lũy kế 5 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước huy động được tổng cộng 162.952 tỉ đồng thông qua kênh trái phiếu Chính phủ, đạt 48,4% kế hoạch phát hành quý II/2023 và 40,74% kế hoạch năm 2023.
Đặc biệt, số vốn huy động thành công qua kênh này tăng tới 188,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, giao dịch thứ cấp trái phiếu Chính phủ cũng sôi động khi có tổng giá trị giao dịch trong tháng 5.2023 đạt 132.568 tỉ đồng, bình quân đạt 6.628 tỉ đồng/phiên và tăng 1,43% so với tháng trước đó.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tính toán rằng trong tháng 5, khối ngân hàng thương mại chiếm tỉ trọng về giá trị giao dịch so với toàn thị trường tương ứng là 75,46%, trong khi khối công ty chứng khoán chỉ chiếm 24,54%.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank nhìn nhận, trong bối cảnh hoạt động sản xuất dự báo vẫn còn gặp khó khăn khiến các biện pháp hỗ trợ (như kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay) cần thêm nhiều thời gian để phát huy hiệu quả, tín dụng sẽ chưa thể sớm tăng nhanh trở lại.
Thực tế trên kéo theo khả năng lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ còn dư địa để giảm thêm, khi các kênh đầu tư thay thế chưa cho thấy được hiệu quả so với tương quan về rủi ro.
“Giai đoạn này, kênh đầu tư trái phiếu Chính phủ đang được cho là kênh đầu tư ưu tiên trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp do nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân thấp, lãi suất cho vay ở mức cao và hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu chung” – các chuyên gia của VCBS cho hay.
Nếu so với lãi suất huy động hiện trong khoảng 7-8%/năm, lợi suất trái phiếu Chính phủ cao nhất trong phiên giao dịch cuối tháng 5.2023 chỉ là 3,4%. Tuy nhiên với các ngân hàng, trái phiếu Chính phủ là kênh đầu tư an toàn khi giúp các ngân hàng cải thiện tỉ lệ dự trữ thanh khoản.
Kênh đầu tư ưa thích của các ngân hàng
Trong báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam quý I/2023, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cũng sớm nhận thấy nhu cầu gia tăng trở lại từ nhóm ngân hàng thương mại sau khi bị dồn nén trong nửa cuối năm 2022.
Nhu cầu của các nhà băng gia tăng cộng với mặt bằng lãi suất được kéo giảm mạnh cuối tháng 3.2023 sau 2 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chính là các yếu tố khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ trong quý giảm ở tất cả các kỳ hạn so với quý IV/2022.
Cùng với trái phiếu Chính phủ, theo tìm hiểu của Lao Động, số liệu báo cáo tài chính năm 2022 của 27 ngân hàng đang niêm yết cho thấy tổng giá trị danh mục chứng khoán đầu tư của 27 ngân hàng chiếm trung bình 13% tổng tài sản.
Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của các ngân hàng này vào khoảng 12,7 tỉ đồng. Như vậy thay vì chỉ tập trung cho vay, riêng trong năm 2022, các ngân hàng đổ tổng cộng khoảng 1,65 triệu tỉ đồng vào kênh chứng khoán đầu tư.
Trong danh mục chứng khoán đầu tư, danh mục trái phiếu nắm giữ của các ngân hàng hiện nay chủ yếu gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu các tổ chức tín dụng khác và trái phiếu doanh nghiệp.
Bước sang các tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, danh mục chứng khoán đầu tư có xu hướng tăng mạnh tại nhiều ngân hàng.
Điển hình như tại ngân hàng VietinBank, danh mục chứng khoán đầu tư tại thời điểm ngày 31.3.2023 tăng vọt hơn 20.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022, lên xấp xỉ 200.465 tỉ đồng (chiếm gần 11% tổng tài sản của ngân hàng).
Ngân hàng BIDV đến cuối tháng 3.2023 cũng đang nắm giữ hơn 236.748 tỉ đồng chứng khoán đầu tư các loại, chiếm tới hơn 11,2% tổng tài sản có của ngân hàng đến cùng thời điểm.
Riêng tại Agribank, dù chưa có số liệu quý I/2023 nhưng danh mục chứng khoán đầu tư cũng bất ngờ tăng rất mạnh ngay trong năm 2022.
Cụ thể tại ngày 31.12.2022, danh mục chứng khoán đầu tư của Agribank tăng vọt lên tới hơn 214.008 tỉ đồng, gấp tới 345% so với thời điểm cuối năm 2021.