Tranh cãi việc “bật – tắt” điều hoà
“Cứ cuối tuần về quê là tôi lại bị tỉnh ngủ lúc 4h sáng vì bố mẹ hẹn giờ tắt điều hoà” – Trần Thị Thanh Nga (26 tuổi, quê Thái Nguyên) nói.
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, Nga thường bắt xe về Thái Nguyên từ tối Thứ 6 đến hết ngày Chủ Nhật. Chị cho biết, cứ mỗi khi vào dịp nắng nóng cao điểm, là ở nhà lại xảy ra “chiến tranh lạnh” giữa chị và bố mẹ.
Do con gái đi làm xa, nên nhà Nga chỉ lắp một chiếc điều hoà cho phòng bố mẹ. Đến khi Nga về, chiếc cửa ngăn giữa 2 phòng sẽ được mở xuyên đêm để gió mát lan sang phòng chị.
Theo thói quen, bố mẹ Nga hẹn đúng 4h sáng là điều hoà tự tắt để tiết kiệm điện. Đây là cũng là lúc Nga bị tỉnh giấc vì quá nóng.
“Chiếc điều hoà nhà tôi công suất nhỏ, cũng đã cũ nên lúc bật điều hoà gió bay sang phòng tôi rất ít. Còn đến khi điều hoà tắt, tôi không thể ngủ tiếp chỉ với 1 chiếc quạt cây” – Nga nói.
Nga cho biết đã nhiều lần góp ý với bố mẹ về việc cứ để điều hoà đến sáng hôm sau, nhưng không nhận được sự đồng tình từ bố mẹ. “4h sáng là mát rồi, cần gì bật điều hoà cho tốn điện” – Nga kể lại lời bố mẹ.
Vào buổi trưa, bố mẹ cô cũng thường có thói quen bật điều hoà đến khi mát cả phòng là sẽ tắt đi. Nhiều hôm thời tiết quá nắng nóng, cô chứng kiến bố mẹ tắt – bật điều hoà đến 3 lần.
“Tôi nói với bố mẹ là cứ để nguyên điều hoà như vậy rồi ngủ trưa, vì tắt bật nhiều còn tốn điện và nhanh hỏng điều hoà hơn. Nhưng bố mẹ tôi một mực không nghe” – Nga chia sẻ.
Mỗi khi chị Hoàng Diệp Oanh (33 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cầm điều khiển tăng nhiệt độ điều hoà, là vài phút sau, chồng chị lại hạ nhiệt độ.
Chị Oanh cho biết đang mang thai tháng thứ 5, thêm vào đó con trai đầu 4 tuổi cũng thường xuyên bị các bệnh về hô hấp, vậy nên chị không dám để nhiệt độ trong phòng quá thấp. Chị thường để nhiệt độ ở khoảng 26-27 độ C.
Trong khi đó, chồng chị lại luôn kêu nóng với mức nhiệt này. “Anh ý thích để điều hoà ở 23 độ C” – chị Oanh nói.
Sau nhiều lần tranh luận về nhiệt độ điều hoà, chị Oanh và chồng quyết định kê thêm một chiếc đệm dưới sàn nhà, ngay cạnh giường ngủ.
Khi đó, chồng chị sẽ ngủ dưới đệm, chiếc điều hoà và quạt hộp sẽ được hướng thẳng đến vị trí nơi chồng chị ngủ. Còn chị Oanh và con trai sẽ ngủ trên giường. Điều hoà trong phòng được cài đặt ở 26 độ C.
Để điều hoà như thế nào cho phù hợp?
Các thành viên gia đình chị Đào Thị Thu (40 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cũng từng không tìm được tiếng nói chung khi lắp đặt điều hoà.
Chị Thu cho biết, trước mùa nắng nóng, vợ chồng chị dự định lắp một chiếc điều hoà 12.000 BTU ở phòng bố. Sau đó đập một lỗ thông giữa phòng bố và phòng mẹ để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên thời điểm đó, mẹ chị liên tục phản đối, nói không cần điều hoà. Vậy nên, vợ chồng chị mua chiếc điều hoà với công suất nhỏ hơn – 9.000 BTU để lắp ở phòng của bố.
Bước vào mùa cao điểm nắng nóng, do phòng bí, chỉ có 1 cửa sổ nhỏ, mẹ chị Thu than không ngủ được vì quá nóng. Khi đó, 2 vợ chồng chị lại gọi thợ đến lắp thêm 1 chiếc điều hoà 9.000 BTU.
“Nếu như ban đầu lắp cái 12.000 BTU thì chỉ phải chi 6,5 triệu đồng tiền điều hoà và thêm khoảng 1 triệu đồng tiền thuê thợ đục lỗ thông 2 phòng. Thế nhưng nay chúng tôi lại phải chi ra tới hơn 10 triệu đồng” – chị Thu nói.
Những ngày vừa qua, miền Bắc trải qua một đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất là từ 36 – 39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điều hoà của người dân tăng cao.
Theo chuyên trang công nghệ CNET, để sử dụng điều hòa hiệu quả, tốt cho sức khỏe và môi trường, nên để mức nhiệt điều hòa thấp hơn 7 độ so với nhiệt độ ngoài trời, đảm bảo rèm che ánh nắng trực tiếp vào nhà và sử dụng đồng thời cả quạt trần và điều hòa.