Khi Al Nassr thông báo về sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo vào cuối tháng 12, lượng người theo dõi trên Instagram tăng từ dưới 1 triệu người lên gần 15 triệu lượt theo dõi. Tuy nhiên, trên sân cỏ, bất chấp nỗ lực của Ronaldo, Al Ittihad dưới sự dẫn dắt của Nuno Santo – cựu huấn luyện viên Tottenham, đã vượt mặt Al Nassr để vô địch Saudi Pro League.
Chức vô địch của huấn luyện viên đồng hương người Bồ Đào Nha đồng nghĩa Ronaldo phải chờ thêm ít nhất 1 năm nữa để có cơ hội bổ sung vào bộ sưu tập 7 chức vô địch quốc gia từng giành được với Manchester United, Real Madrid và Juventus.
Tuy nhiên, độ khắc nghiệt của giải đấu hứa hẹn sẽ gia tăng khi mở rộng từ 16 đội lên 18 đội tham dự. Ngoài ra những tên tuổi lớn khác như Lionel Messi, Sergio Busquets hay Karim Benzema, cùng các chiến lược gia lão làng Jose Mourinho và Zinedine Zidane, đang được liên kết đến Saudi Arabia.
Ronaldo, người được cho là đang hưởng mức lương khoảng 175 triệu bảng mỗi năm, ghi 14 bàn sau 16 trận cho Al Nassr mùa này. Màn trình diễn của CR7 có thể ấn tượng hơn so với một số tên tuổi trong quá khứ từng gia nhập châu Á như Carlos Tevez ở Trung Quốc vào năm 2017. Tuy nhiên, không thể che giấu sự thất vọng của Ronaldo khi mọi chuyện không diễn ra đúng kế hoạch.
Ronaldo vẫn chứng minh giá trị bản thân ở nhiều thời điểm khác nhau của mùa giải. Điển hình như cú cứa lòng từ ngoài vòng cấm để hoàn tất chiến thắng trước Al Shabab vào tháng 5.
Nhưng bất chấp những khoảnh khắc như vậy, Al Nassr vẫn phải vật lộn để tìm kiếm danh hiệu. Anderson Talisca là chân sút hàng đầu của Al Nassr trước khi Ronaldo đến và là mẫu tiền đạo cần nhiều bóng. Thế nhưng, cầu thủ người Brazil và CR7 lại không thể tìm thấy tiếng nói chung. Điều đáng bàn hơn khi Ronaldo lỡ trận cuối mùa giải vì chấn thương, Talisca đã lập cú đúp trong chiến thắng 3-0 của đội nhà.
Vào tháng 4, huấn luyện viên Rudi Garcia ra đi sau tin đồn xích mích với Ronaldo và các cầu thủ khác về chiến thuật. Thay thế Garcia là Dinko Jelicic với tư cách huấn luyện viên tạm quyền, nhưng chiến lược gia người Croatia tạo ra rất ít tác động. Thậm chí có những tin đồn về sự xáo trộn ở thượng tầng của Al Nassr sau khi Musalli al-Muammar từ chức chủ tịch.
Bên ngoài sân cỏ, Al Nassr trở thành một trong những câu lạc bộ được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới và màu áo vàng xanh của họ trở nên quen thuộc. Đặc biệt là khi giải đấu đã bán bản quyền phát sóng cho gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ronaldo với hơn 560 triệu người theo dõi trên Instagram vẫn có ảnh hưởng lớn đến giải đấu.
Mục tiêu của Saudi Arabia là sớm trở thành trung tâm thể thao toàn cầu với sự đầu tư ngày càng lớn vào bóng đá cùng các sự kiện khác như Golf và Boxing.
Ban lãnh đạo Al Nassr đã phủ nhận thông tin cho rằng Ronaldo không hài lòng về giải đấu. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở khi Ronaldo ít nhất hai lần tự tin khẳng định Saudi Pro League có thể trở thành một trong năm giải đấu hay nhất thế giới. Tất nhiên đây là phát biểu có đôi chút mơ mộng của CR7.
Sau tất cả, Ronaldo cũng như Al Nassr phải chấp nhận thực tế khi Al Ittihad là đội hay nhất trong nước. Dưới thời Nuno, họ xứng đáng có danh hiệu đầu tiên kể từ năm 2009. Để thủng lưới 13 bàn sau 30 trận và chỉ thua 2 lần là con số ấn tượng. Ngoài hàng thủ chặt chẽ, tiền đạo người Maroc là Abderrazak Hamdallah cũng giành chiếc giày vàng thứ ba tại giải đấu với 21 bàn thắng.
Ronaldo không thể hoàn toàn biến giấc mơ của Al Nassr thành hiện thực trên sân cỏ nhưng ngoài sân cỏ, anh đã đưa câu lạc bộ cũng như giải đấu lên một tầm cao mới.
Nên nhớ, Ronaldo đã khẳng định chuyến phiêu lưu tại Saudi Arabi vẫn chưa kết thúc: “Mùa tới sẽ còn tốt hơn nữa”.