Tôi lên xã biên giới Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương thì được nghe trưởng công an xã giới thiệu: “Nếu có dịp anh đi công tác bằng đường vành đai biên giới Việt – Lào thì sẽ có những chỗ thời tiết đẹp như… Đà Lạt. Dưới Vinh 35 – 36 độ C thì lên đó phải mặc áo lạnh”. Tôi cười: “Thế thì là một Đà Lạt thu nhỏ ở Nghệ An còn gì”.
Thực tế, chính Nghệ An từng được mệnh danh là một Việt Nam thu nhỏ diện tích lớn nhất cả nước, trung tâm vùng Bắc Trung Bộ với đầy đủ biển, đảo, đồng bằng, trung du, miền núi, sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khá hoàn chỉnh, đồng bộ.
Du lịch biển thì nổi tiếng với Cửa Lò, Cửa Hội, lên núi thì cả vùng Thanh Chương, Kỳ Sơn bạt ngàn sát nước bạn Lào với nhiều hang động, thác nước. Du lịch tâm linh thì có tới 2.000 di tích chùa chiền, danh thắng. Du lịch Văn hoá – Lịch sử thì có quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương các thi hào nhà thơ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu…
Nghĩa là, mảnh đất Nghệ An này, nói về tiềm năng du lịch thì thuộc top đầu cả nước. Thế nhưng tiềm năng ấy, như mỏ vàng vẫn chưa được khai phá.
Tôi có dịp đi thuyền chầm chậm quanh khu du lịch Đảo Chè – nơi được ví như “Hạ Long” của Nghệ An với những đồi chè xanh, làn nước xanh, bầu trời xanh hoà quện và thấy trong sự đủ đầy ấy vẫn thiêu thiếu điều gì đó: Thiếu khách du lịch!
Người lái thuyền máy đưa chúng tôi đi quanh quanh Đảo Chè nói: “Khách chủ yếu là người địa phương, khách tỉnh ngoài và khách quốc tế ít. Cách đây vài năm có nghe nói một doanh nghiệp lớn định đầu tư vào đây một khu nghỉ dưỡng 1.500 tỉ đồng nhưng cuối cùng không thấy đâu. Cảnh thì đẹp như các anh thấy đấy nhưng việc có khách lại là bài toán khó lắm”.
Rõ ràng, đấy cũng là vấn đề của Nghệ An, theo Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, năm 2022 toàn tỉnh Nghệ An đón và phục vụ hơn 6,7 triệu lượt khách du lịch (tăng 356% so với năm ngoái). Trong đó, khách lưu trú đạt hơn 4,4 triệu lượt (tăng 342%); khách quốc tế đạt 28.600 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 12.343 tỉ đồng, trong đó, doanh thu du lịch đạt hơn 5.600 tỉ đồng (tăng 502%).
Các địa phương có lượng khách du lịch lớn gồm: Thị xã Cửa Lò, các huyện Nam Đàn, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và thành phố Vinh. Đây là những địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và điểm đến để thu hút du khách.
Thông tin từ Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Nghệ An thì cả tỉnh mới có 53 đơn vị kinh doanh lữ hành. Trong đó, có 25 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 296 hướng dẫn viên lữ hành nội địa và quốc tế đang hoạt động. Toàn tỉnh có gần 900 cơ sở lưu trú, với gần 22.000 phòng, trong đó, có 3 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao, 20 khách sạn 3 sao.
Thế nhưng, tại cuộc họp hồi cuối năm 2022 về báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đại diện các sở, ngành và địa phương Nghệ An đã phân tích những hạn chế, tồn tại của du lịch Nghệ An, như sản phẩm du lịch tuy có bước cải thiện nhưng chưa đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu cho du lịch Nghệ An và có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch ngoại tỉnh.
Du lịch Nghệ An vẫn còn thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm cho du khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ.
Một số dự án trọng điểm du lịch gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm. Nguồn nhân lực du lịch và liên quan còn thiếu chuyên nghiệp… Hợp tác, liên kết giữa Nghệ An với các nước bạn Lào và Thái Lan để thúc đẩy loại hình du lịch liên quốc gia chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa có chiều sâu và trọng tâm, trọng điểm, hình thức còn đơn điệu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao.
Không để mỏ vàng du lịch lãng phí, vào ngày 23.5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.
Theo Quyết định này, về định hướng phát triển không gian du lịch, chiến lược đề ra 4 hướng phát triển, bao gồm: Hướng 1 (thành phố Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc); hướng 2 (Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai); hướng 3 (Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn); hướng 4 (Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong).
Đặt mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9 – 10%.
Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỉ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10 – 12%.
Du lịch Nghệ An đặt mục tiêu phát triển 7 loại hình sản phẩm chính, gồm: Du lịch văn hóa – lịch sử; Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Du lịch sinh thái, khám phá, thám hiểm; Du lịch cộng đồng, trải nghiệm; Du lịch đô thị, mua sắm; Du lịch MICE và Du lịch chuyên đề, danh nhân.
Rồi đây, cao tốc Bắc Nam sẽ sớm hoàn thành đoạn đi qua Nghệ An, khi đó dự tính thời gian từ Hà Nội vào tới Vinh sẽ chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ. Lại thêm một yếu tố để du lịch Nghệ An tăng tốc.
Con đường du lịch của Nghệ An phải là con đường cao tốc, không cứ mãi là đường mòn.