Qua các phiên thảo luận về kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, có thể thấy cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Điều này cần nhận diện như thế nào?
– Đúng vậy! Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn, thách thức không dễ vượt qua.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là hơn 78.800 doanh nghiệp và con số rút lui khỏi thị trường là hơn 77.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì số doanh nghiệp rút lui có thể cao hơn rất nhiều bởi thủ tục giải thể của doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian. Có hiệp hội doanh nghiệp phản ánh rằng thủ tục này có khi kéo dài cả năm.
Từ thực tế trên, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành cần nhận diện đúng, đủ tình hình phát triển của doanh nghiệp để tìm giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tạo đà phục hồi, hướng tới mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế cũng như an sinh xã hội.
Vậy theo ông, chúng ta cần tháo gỡ cụ thể những nội dung gì giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh nhiều biến động, khó lường hiện nay?
– Tôi cho rằng, có một số nội dung cần tháo gỡ để giúp đỡ doanh nghiệp hiện nay. Trong đó công tác phòng cháy chữa cháy – đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho rằng, đã gặp không ít vướng mắc về tài chính, kết cấu công trình và xét duyệt hồ sơ để đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy theo quy định mới.
Trong đó, phổ biến nhất là về diện tích, chiều cao nhà xưởng, xây dựng cầu thang thoát hiểm, vật liệu xây dựng và sơn chống cháy… Có những quy định mới nhưng lại không phân biệt về mặt quy mô và chức năng vận hành, tức là công trình nhỏ hay to, không phân biệt đặc thù sản xuất kinh doanh giữa các sản phẩm có nguy cơ cao/nguy cơ trung bình/nguy cơ thấp để quy định phòng cháy chữa cháy cho phù hợp, không phân biệt phân xưởng rủi ro cao, phân xưởng rủi ro thấp đều áp chung một quy định. Ví dụ rõ nhất là ở ngành chế biến hạt điều.
Tôi cho rằng, quy định về phòng cháy là cần thiết, tuy nhiên, phải linh hoạt và phù hợp với từng ngành nghề sản xuất, của đơn vị thuê mặt bằng sản xuất, phải phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cần phải tháo gỡ những vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
Vậy còn nội dung liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Chúng ta có quyền hi vọng về mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh?
– Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, Quốc hội cũng đã có thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo đề xuất của Chính phủ, một số lĩnh vực, ngành hàng được giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 31.12.2023 (như đã áp dụng trong năm 2022). Phương án này được coi là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay và qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, phát triển.
Cùng với thuế giá trị gia tăng thì việc thu thuế VAT và hoàn thuế VAT đang khiến cộng đồng doanh nghiệp khó khăn, kiến nghị. Điều đáng mừng là cũng tại Công điện số 470, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất chế biến cao su, gỗ rừng trồng, hạt điều, bột sắn và các mặt hàng nông sản xuất khẩu cho biết vẫn còn rất nhiều bất cập trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Từ quy định loại hình phải nộp thuế VAT, các loại chứng từ liên quan đến việc xác minh hóa đơn và nguồn gốc hàng hóa để hoàn thuế VAT cho đến thời gian hoàn thuế VAT.
Tôi cho rằng, Thủ tướng đã có sự chỉ đạo, nghĩa là đã rất thấu hiểu sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nếu không được tháo gỡ các chính sách liên quan đến hoàn thuế thì các doanh nghiệp chế biến nông sản sẽ có nguy cơ thụt lùi, thị phần sẽ thuộc về đối thủ cạnh tranh; nhiều doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu hoặc hoạt động cầm chừng.
Do vậy, về lâu dài, ngoài việc thực hiện nghiêm công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ mà hiện nay ngành thuế đang triển khai khá quyết liệt mang lại niềm hi vọng cho các doanh nghiệp, đã đến lúc cần xem xét, rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục, danh mục phải chịu thuế VAT cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ngành thuế trong việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp;
Đi đôi với đó, có chế tài nghiêm khắc hơn với những doanh nghiệp trây ỳ trong việc nộp thuế VAT, có hình thức khen thưởng và động viên kịp thời với doanh nghiệp tự giác thực hiện nghiêm việc nộp thuế VAT bằng các hình thức như được ưu tiên hoàn trước, kiểm tra sau; giảm bớt một số thủ tục trong việc hoàn thuế VAT.
Xin cảm ơn ông!