Johan Rockstrom – Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam và là tác giả chính của nghiên cứu được công bố trong tuần này – cho hay, đây là lần đầu tiên các ranh giới có thể định lượng được trình bày theo cách này “để đánh giá tình trạng sức khỏe hành tinh của chúng ta”.
Những ngưỡng được sử dụng đo lường không chỉ sự ổn định của hệ sinh thái Trái đất mà còn đánh giá sự thịnh vượng và bình đẳng của con người.
Nghiên cứu được Ủy ban Trái đất – nhóm hàng chục nhà khoa học đại diện cho các tổ chức nghiên cứu hàng đầu toàn cầu – thực hiện.
Tám lĩnh vực được đo lường là: Biến đổi khí hậu; aerosols (ô nhiễm không khí); nước ở bề mặt; nước ngầm; phân đạm; phân lân; liệu các hệ sinh thái tự nhiên có còn nguyên vẹn hay không; và tính toàn vẹn chức năng của tất cả các hệ sinh thái.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature. Các nhà khoa học mô tả 8 ranh giới đề cập ở trên là “giới hạn cứng”.
Trên tất cả các lĩnh vực được đo lường, tình hình “rất đáng lo ngại”, nhà nghiên cứu Rockstrom nói, đồng thời lưu ý những tác động của việc vi phạm các giới hạn này đã có thể nhìn thấy được.
“Chúng ta gặp nhiều hiện tượng cực đoan hơn, hạn hán nhiều hơn, lũ lụt nhiều hơn, mất an ninh lương thực nhiều hơn, hệ sinh thái suy giảm nhiều hơn, cho tới mất nguồn cá và phá hủy hệ thống rạn san hô, sinh kế của 500 triệu người” – ông nói.
Tác giả chính của nghiên cứu cũng trích dẫn trận lũ lụt tàn khốc ở Pakistan năm ngoái là “một ví dụ về việc không còn bên trong một môi trường khí hậu an toàn và công bằng”.
Báo cáo cho biết, Trái đất đã vượt qua cả ranh giới an toàn và công bằng ở hầu hết các khu vực được đánh giá: Nước trên bề mặt bị thay đổi quá nhiều, gây tổn hại cho hệ sinh thái, nước ngầm được sử dụng hết nhanh hơn mức có thể thay thế, phân bón nitơ và phốt pho, với tác hại của chúng trong ô nhiễm nước và không khí, đã được sử dụng ở mức vượt xa mức khuyến cáo.
Theo báo cáo, 2 ranh giới sinh quyển cũng đã bị vi phạm do tỉ lệ hệ sinh thái tự nhiên còn lại trên thế giới, trong các khu vực tự nhiên và cảnh quan đang hoạt động, thấp hơn mức cần thiết để bảo vệ con người và các loài khác.
Với biến đổi khí hậu, Trái đất đã vượt qua ranh giới khi nhiệt độ tăng 1 độ C so với mức thời tiền công nghiệp đã bị vi phạm và dẫn đến nguy hại cho cuộc sống con người, nhưng chưa đe dọa sự ổn định của hành tinh.
Báo cáo đã xác định giới hạn an toàn với biến đổi khí hậu là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp – mục tiêu của thoả thuận khí hậu Paris. Tuy nhiên, vào tháng 3, một báo cáo của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo thế giới có thể sẽ vượt qua ngưỡng nhiệt độ này vào đầu thập kỷ tới.
Aerosols là lĩnh vực duy nhất không xảy ra vi phạm các biện pháp an toàn dù ủy ban đã cảnh báo rằng “các khu vực ô nhiễm không khí cao vẫn còn” và “không có mức độ ô nhiễm không khí nào có thể được gọi là an toàn tuyệt đối từ góc độ sức khỏe”.
Báo cáo cũng ghi nhận tác động tiềm ẩn của ô nhiễm không khí ở một bán cầu của thế giới với lượng mưa và gió mùa ở bán cầu còn lại, cũng như “tác hại đáng kể” với sức khỏe con người, bao gồm các vấn đề về hô hấp và tim, cũng như tử vong sớm.