Thời điểm này, cơ sở thu mua vải của ông Nguyễn Văn Hân ở xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà hoạt động liên tục từ sáng sớm đến 7h tối để thu mua vải đưa đi Sài Gòn. Ông Hân cho biết thêm, hiện trung bình mỗi ngày cơ sở nhà ông thuê hàng chục lao động lo công việc thu mua, đóng hàng và bốc vác.
Theo các chủ cơ sở cân vải tại đây, việc cân vải, cắt cuống, làm vải để đóng thùng được trả với giá 30.000 đồng/tiếng/người, còn những người làm bốc vác sẽ có mức tiền cao hơn.
“Công việc của chúng tôi khá nhàn, chỉ việc nhận hàng, kiểm tra chất lượng vải, nếu quả nào thối hỏng bỏ đi, cắt tỉa bớt cành sau đó đóng hàng vào thùng, trung bình ngày làm 8 – 9 tiếng, nếu làm tăng ca thì chủ sẽ trả thêm tiền công” – bà Thu (người dân xã Thanh Quang) làm thời vụ công việc cắt cành, chọn phân loại vải chia sẻ.
Anh Đặng Văn Thức – thành viên của đội cửu vạn có nguồn thu lớn từ công việc tại các cơ sở thu mua vải ở “thủ phủ” vải thiều này – cho biết: “Trung bình mỗi ngày các thành viên trong đội cửu vạn chúng tôi bốc vác, vận chuyển được hàng chục tấn vải, tính ra mỗi tấn vải được các chủ cơ sở ở đây trả giá từ 400.000 – 600.000 đồng/tấn (tùy thời điểm). Bởi vậy, nhờ mùa vải, mỗi thành viên của đội có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/ngày”.
Cùng huyện với cơ sở của ông Hân, cơ sở sản xuất đá cây Thinh Thu (đá ướp lạnh cho vải thiều) ở xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Hà cũng đang hoạt động liên tục 24/24 để đảm bảo có đủ số lượng đá phục vụ công tác hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Thanh Hà.
“Mỗi ngày nhà tôi bán 3.000 cây đá (tương đương khoảng 120 tấn) cho 20 điểm cân vải trong huyện. Vụ vải năm nay, nhà tôi dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 3.600 tấn đá cây, tăng hơn 600 tấn so với năm ngoái” – chủ cơ sở đá cây Thinh Thu nói.
Cũng là một trong những nghề ăn theo kiếm bội tiền mỗi ngày tại vùng vải Thanh Hà, công ty TNHH một thành viên Xốp Phúc Cường (xã Thanh Quang) mỗi ngày bán hơn 2.000 hộp xốp cho các điểm cân vải trên địa bàn. Giá mỗi thùng xốp 28.000 đồng/thùng (có thể đóng 15 kg vải), giảm hơn 7.000 đồng/thùng so với năm trước. Nhiều thương lái mua vải ở Bắc Giang cũng đang về đây mua hộp xốp.
Hiện nay, ở Thanh Hà, nhiều gia đình có diện tích vải lớn cũng đang thuê người bẻ vải 400.000 đồng/ngày. Người làm thuê sẽ hái vải từ trên cây xuống, sau đó nhặt sạch lá và bó thành từng chùm.
Được biết, theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Hà, xã Thanh Quang có diện tích trồng nhiều nhất huyện, khoảng 700 ha vải sớm. Năm 2022, các dịch vụ như cho thuê địa điểm thu mua, làm đá cây, sản xuất hộp xốp, vận chuyển hàng hóa, đóng gói sản phẩm đã tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong và ngoài huyện Thanh Hà với tổng thu nhập khoảng 16 tỉ đồng.