Đỗ Thuỳ Giang (sinh viên năm 4 Đại học Y Hà Nội, quê Sơn La) bê chậu nước đặt lên giường, cạnh chỗ ngồi học. Sau đó, em hướng chiếc quạt cây thẳng vào chậu nước mát, “biến hoá” chiếc quạt bình thường thành một chiếc quạt hơi nước.
Đây là cách mà Thuỳ Giang chống nóng trong những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm.
“Cách này em học theo trên mạng. Làm như vậy gió quạt thổi ra cùng với hơi nước giúp nhiệt độ giảm sâu hơn, nhanh hơn. Hơi nước cũng sẽ làm tăng độ ẩm trong không khí, giúp đỡ cảm thấy oi bức” – Thuỳ Giang nói.
Thuỳ Giang cho biết, thời điểm trước thuê một căn phòng khác tại quận Đống Đa với giá 2 triệu đồng, phòng có điều hoà. Sau đó, nữ sinh tìm một căn phòng có giá rẻ hơn tại khu vực Văn Quán, Hà Đông.
“Vừa để tiết kiệm tiền phòng, vừa để chống nóng nên em đã tìm một căn phòng ở tầng 1, không có điều hoà” – Thuỳ Giang nói.
Một cách khác mà Thuỳ Giang thường xuyên áp dụng để tránh nóng trong những ngày oi bức là lên thư viện ngồi học. Theo Giang, có những ngày được tan học sớm – từ 4h chiều, nhưng em vẫn nán lại trường, vào thư viện ngồi học đến 7h tối.
“Năm nhất, năm 2, em có thời gian để đi làm thêm, đỡ đần bố mẹ. Còn 2 năm trở lại đây, do lịch học dày đặc, không có thời gian đi làm thêm, nên em chỉ biết sống tiết kiệm hơn để giảm chi phí sinh hoạt, giảm gánh nặng cho bố mẹ” – nữ sinh quê Sơn La nói.
Lộc Xuân Mai – sinh viên năm 2 Trường Đại học Dược Hà Nội cũng thường xuyên tránh nóng ở trên thư viện để tiết kiệm điện.
“Những ngày Hà Nội nắng nóng như thế này, nếu học ca chiều em cũng sẽ đi học từ 7h sáng và lên thư viện ngồi. Học xong ca chiều, em lại quay vào thư viện ngồi đến 7h tối – khi trời tắt nắng mới trở về nhà” – Xuân Mai nói.
Xuân Mai đánh giá đây là cách hiệu quả nhất đối với sinh viên trong những ngày nắng nóng – vừa giúp tiết kiệm tiện, vừa không tốn chi phí như khi ngồi ở quán cà phê, quán trà sữa.
Khác với Thùy Giang và Xuân Mai, Đoàn Thị Thảo (sinh viên năm 2 Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, quê Bắc Ninh) thường có thói quen đến cửa hàng tiện lợi gần nhà để học tập trong những ngày Hà Nội nắng nóng.
Thảo cho biết, việc ngồi học tại thư viện sẽ tiết kiệm hơn so với ngồi học ở cửa hàng tiện lợi, song em không thích một không gian quá tĩnh lặng – vì muốn được liên tục trao đổi với bạn bè trong quá trình giải quyết bài tập.
“Trước đây, những ngày trời mát mẻ thì em học tại nhà. Còn những ngày này, khi Hà Nội nắng nóng thì em ra ngồi học tại đây để tiết kiệm điện. Em thường mua 1 cốc cà phê hoặc trà sữa rồi ngồi học ở đây khoảng 4-5 tiếng” – Thảo nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, không gian trong các cửa hàng tiện lợi thời điểm này luôn kín chỗ. Hầu hết những vị khách của cửa hàng đều là sinh viên, đến đây để học bài, tránh nóng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết thủ đô Hà Nội ngày 1.6 nắng nóng gay gắt, nhiệt độ từ 37-38 độ C. Mức nhiệt này còn duy trì tới hết ngày 3.6, nhiệt độ thấp nhất giữ ổn định 28-29 độ.
Cơ quan khí tượng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.