Tuổi nghỉ hưu hiện tại quá cao
Có tấm bằng kĩ thuật của một trường cao đẳng nghề, anh Đàm Văn Thủy (Thanh Ba, Phú Thọ) xin vào làm công nhân tại khu công nghiệp từ năm 2009. Sau 14 năm làm việc, hiện tại mức lương của anh là 14 triệu đồng/tháng. Với anh Thủy, thu nhập trên cũng chỉ đủ để anh chi trả số tiền chi tiêu hàng tháng và gửi về quê cho vợ con.
Trước đây, vợ anh cũng cùng làm công nhân tại khu công nghiệp này. Sau khi có con, chị nghỉ việc về quê, xin làm công nhân giày da gần nhà để tiện chăm sóc con hơn.
Theo anh Thủy, thu nhập hiện tại của anh đã ở mức khá so với các công nhân khác. Tuy nhiên, phải trải qua nhiều năm cố gắng, gắn bó với công ty, anh mới có mức lương này. Với những công nhân mới vào, lương cơ bản cũng chỉ khoảng 5-6 triệu đồng là cao.
Khi được hỏi về độ tuổi nghỉ hưu mong muốn, anh Thủy tâm sự: “Càng giảm càng tốt. 50 tuổi được nghỉ hưu với những lao động trực tiếp như tôi là hợp lí. Sức khỏe ngày càng đi xuống, không làm những công việc yêu cầu sức khỏe dẻo dai mãi được”.
Bên cạnh đó, anh Thủy cũng cho rằng nếu độ tuổi nghỉ hưu vẫn là 62 tuổi như hiện tại, anh sẽ sớm rút bảo hiểm xã hội 1 lần để về quê với vợ con.
Sẽ xảy ra tình trạng rút BHXH 1 lần
Không được tăng ca, làm thêm là tình trạng diễn ra trong hơn 2 năm nay tại công ty của chị Vũ Thị Hồng (Nông Cống, Thanh Hóa). Công ty không có đơn hàng, ít việc, làm một ca 8 tiếng rồi trở về phòng trọ, chị Hồng chỉ quanh quẩn chơi với các con, chưa thể tìm một công việc làm thêm nào khác.
“2 năm vừa rồi không được tăng ca, tôi không đi làm thêm công việc gì. Trên mạng đăng đầy thông tin tuyển dụng nhưng toàn nhóm vớ vẩn, lừa đảo. Kiếm việc bên ngoài cũng khó, lương thấp” – nữ công nhân chia sẻ.
Sau 11 năm làm công nhân tại đây, chị Hồng có mức lương cơ bản khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chồng chị Hồng làm thợ sơn, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, anh không có việc làm. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân của chị.
Vợ chồng chị Hồng đã có 3 con, các cháu đều ở cùng phòng trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội với bố mẹ. Cháu nhỏ nhất nhà chị Hồng mới được 2 tuổi, cháu thứ hai 6 tuổi, còn cháu lớn nhất 10 tuổi.
Chị Hồng cũng bày tỏ mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu so với lao động tại các ngành khác. “Đóng bảo hiểm 15 năm thì chờ đến 60 tuổi mới được nhận lương hưu, không biết có làm được đến năm 60 tuổi không. Tôi không định làm đến mãi năm 60 tuổi, vài năm nữa con gái cả lên cấp 3, phải về quê cùng con thôi” – chị Hồng nói.
Trước đó, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, cả 8 hiệp hội, ngành hàng đề xuất người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng. Cụ thể tuổi nghỉ hưu ở nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Điều kiện là người lao động đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm. Lương hưu căn cứ theo tỉ lệ đóng.
Còn tại tại Hội nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2023, công nhân một số doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng nghiên cứu giảm tuổi hưu với một số nhóm lao động trực tiếp.
Tổng hợp các kiến nghị, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, công nhân lao động đề nghị thành phố đề xuất Quốc hội khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu cho một số nhóm đối tượng lao động trực tiếp; tăng quyền lợi để thu hút người lao động tham gia và giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần.