Nhiều vụ tai nạn thương tâm do trẻ vặn tay ga
Cuối tháng 5, người dân xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bàng hoàng chứng kiến cái chết thương tâm của 3 người trong cùng một gia đình, mà nguyên nhân là do cháu bé 4 tuổi vặn nhầm tay ga.
Điều đáng nói, đây không phải sự việc hy hữu. Trước đó, nhiều vụ tai nạn tương tự đã xảy ra. Cuối tháng 8.2022, một người phụ nữ ở Hà Nội trên đường chở con gái bằng xe máy tay ga ở trường mầm non về nhà thì gặp nạn.
Khi dừng xe mua đồ, do nghĩ xe máy có tính năng ngắt động cơ tạm thời nên người mẹ sơ ý không tắt máy. Vô tình bé gái nắm vào tay ga và vặn mạnh khiến xe máy vọt lên làm cả hai mẹ con cùng ngã văng ra đường. Sau tai nạn, cháu bé ngất lịm và được đưa vào Bệnh viện 198 sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đầu năm 2022, tại Đà Nẵng cũng xảy ra vụ hai mẹ con gặp nạn vì cháu bé vô tình vặn tay ga. Theo đó, tình huống tai nạn giao thông trên xảy ra trên đường Triệu Nữ Vương, thuộc quận Hải Châu.
Toàn bộ diễn biến của vụ tai nạn này được camera của nhà dân bên đường quay lại. Qua hình ảnh trong clip, người phụ nữ điều khiển xe máy, chở theo con nhỏ ở phía trước, đang dừng trên đường. Bất ngờ, cháu bé với tay vặn ga khiến chiếc xe máy phóng loạng choạng sang làn đường ngược chiều, tông vào chiếc ôtô đang đỗ. Cú va chạm mạnh khiến cả hai mẹ con ngã ra đường và bị thương.
Trong thực tế, nhiều gia đình do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết đã cho con ngồi trước yên xe máy, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Chị Hoàng Thị Liên ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Tôi đi xe ga Honda Lead nên phần để chân rất rộng. Con tôi năm nay đã 6 tuổi, nên bình thường tôi cho cháu đứng trước xe. Tôi nghĩ rằng khi cháu đứng trước, mình quan sát sẽ an toàn hơn”.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh ở quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, bản thân gia đình chị rất cẩn thận. Tuy nhiên, khi chị cho con về quê chơi với ông bà nội, ông thường xuyên cho cháu ngồi đằng trước xe máy rồi chở đi chơi khắp nơi. Dù biết nguy hiểm, nhưng vì cả nể nên chị ngại không dám nhắc bố mẹ chồng.
Chuyên gia chỉ cách an toàn cho trẻ
Trao đổi với Báo Lao Động, anh Đỗ Văn Hùng, kỹ sư giao thông vận tải cho biết, trong thực tế nhiều thói quen tưởng chừng đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Ví dụ, không ít phụ huynh cho rằng để con em mình ngồi yên trước xe máy hay ở phần để chân của xe ga sẽ an toàn hơn. Thế nhưng đây là một thói quen rất sai lầm. Bởi không chiếc xe máy nào có thiết kế phần ghế chở người ở phía trước. Hơn nữa, con trẻ thường hiếu động, nhiều khi không hiểu được hành động mà mình đang làm.
Quá trình xe chạy, trẻ thường lệch dần về một bên. Xe bị xóc, nghiêng hoặc thay đổi tốc độ đột ngột trong khi trẻ buồn ngủ sẽ khiến các em có thể bị ngã khỏi xe. Trường hợp nguy hiểm có thể gây tai nạn nữa là trẻ bị kẹp chân, kẹp quần, váy vào nan hoa của bánh xe.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, theo anh Hùng, khi chở theo con nhỏ, phụ huynh tốt nhất không nên cho con ngồi đằng trước. Vị trí an toàn nhất là sau lưng người lớn, có dây đai để nịt chặt trẻ vào bụng người chở hoặc đặt trẻ ngồi giữa người lớn, giữ chặt bé bằng hai tay và không cho con ló đầu ra ngoài. Nếu trẻ từ 3 tuổi trở lên, phụ huynh nên cho bé đội mũ bảo hiểm phù hợp khi ra đường, đồng thời cần kiểm tra kỹ phần chân của bé có nguy hiểm với bánh xe hay không trước khi di chuyển.
Luật sư Phùng Lan, Công Ty Luật TNHH Quốc Tế Nam Thái cho biết, khoản 1 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
1. Người điều khiển xe môtô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 14 tuổi”
Như vậy, với đối tượng trẻ em dưới 14 tuổi, để đảm bảo an toàn, phụ huynh có thể chở thêm người phía sau giữ trẻ.