Tiếp tục kỳ họp thứ 5, ngày 31.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Sau đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách.
Theo ông Dũng, tăng trưởng GDP quý I/2023 (chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước) đạt thấp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới. Theo dõi biến động kinh tế nhiều năm cho thấy thông thường tăng trưởng kinh tế các quý sau sẽ diễn biến khá dần và tăng tốc vào nửa cuối năm.
Có thể thấy, với bức tranh kinh tế hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là một thách thức lớn. Căn cứ vào kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I, quý II và 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ sẽ có những quyết định về mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 cho phù hợp.
Bộ trưởng nhìn nhận, khu vực dịch vụ trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao kéo theo xuất khẩu dịch vụ tăng và những ngành chưa hoàn toàn phục hồi, hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao.
Năm 2023 triển khai thực hiện dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Khi thực hiện đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, kích cầu nền kinh tế.
Về các giải pháp, bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút các nhà đầu tư mới với các dự án có chất lượng cao, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa ngành, sản phẩm, phát triển những ngành, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh để không quá phụ thuộc vào số ít nhà đầu tư…
Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2022. Trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, “đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác”.
Thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách người có công, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Báo cáo cũng nêu rõ, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ. Tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung tiếp tục được thực hiện. Cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ sẽ bị xử lý nghiêm.
Chính phủ xác định đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng để đưa ra xét xử. Những vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố cũng sẽ sớm giải quyết.