Ngày 30/5, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nam Mỹ đã khai mạc tại thủ đô Brasilia của Brazil với sự tham gia của toàn bộ lãnh đạo cao nhất của 12 quốc gia trong khu vực, trừ Peru.
Tại hội nghị, dự kiến các nhà lãnh đạo khu vực sẽ tập trung thảo luận một loạt vấn đề quan trọng đối với các nước hiện nay, trong đó nổi bật là thúc đẩy hội nhập khu vực.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Luiz Inácio Lula da Silva nhấn mạnh tính cấp bách trong việc tăng cường hội nhập khu vực, trong đó các quốc gia trong khu vực phải đẩy mạnh các hành động cụ thể vì sự phát triển bền vững, hòa bình và hạnh phúc của người dân.
Ông cũng nêu bật ý chí khởi động lại các cơ chế hội nhập khu vực, đề cập đến Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (Unasur) mà Brazil đã tuyên bố tái gia nhập hồi tháng trước.
Ông Lula da Silva kêu gọi các nhà lãnh đạo Nam Mỹ “thiết kế một lộ trình hội nhập mới” trong vòng 120 ngày.
Tổng thống Brazil đã đưa ra một loạt các chương trình hợp tác cụ thể để lãnh đạo các nước cùng thảo luận và xem xét, bao gồm sáng kiến thiết lập một đồng tiền chung cho Nam Mỹ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các loại ngoại tệ trong lĩnh vực thương mại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
[Brazil tuyên bố gia nhập trở lại Liên minh các quốc gia Nam Mỹ]
Ông Lula da Silva cũng đề xuất kích hoạt lại hợp tác trong lĩnh vực y tế và giáo dục, thúc đẩy các dự án phối hợp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và tạo ra một thị trường năng lượng chung cho toàn Nam Mỹ.
Tổng thống Brazil cũng kêu gọi nối lại hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp quân sự.
Theo nhà lãnh đạo này, với dân số gần 450 triệu người, các nước Nam Mỹ là thị trường tiêu dùng quan trọng và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của các quốc gia Nam Mỹ ước đạt 4.000 tỷ USD trong năm nay.
Cùng ngày, bên lề hội nghị, Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã có cuộc gặp người đồng cấp Venezuela Nicolás Maduro.
Theo Bộ Ngoại giao Argentina, tại cuộc gặp, Tổng thống Fernández đã kêu gọi Venezuela quay trở lại các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc xây dựng một khu vực Nam Mỹ thống nhất, cũng như các biện pháp bảo đảm các tiến trình dân chủ và nhân quyền.
Trong khi đó, trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Maduro bày tỏ “Argentina và Venezuela đoàn kết vì một vận mệnh tốt đẹp hơn và vì nền hòa bình và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc.”
Từ năm ngoái, Argentina và Venezuela đã tiến tới bình thường hóa quan hệ, sau một thời gian căng thẳng, với việc bổ nhiệm trở lại Đại sứ tại mỗi nước.
Thời điểm đó, Tổng thống Fernández cũng bày tỏ mong muốn khôi phục hoàn toàn quan hệ với Venezuela, đồng thời nhấn mạnh đây là lúc Caracas cần tăng cường đối thoại với các quốc gia trong khu vực./.