Theo trang Oilprice, gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga bị sụt giảm doanh thu và thị phần năm 2022 ở châu Âu do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong khi Nga đang bận rộn tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang người tiêu dùng châu Á, châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan, nước láng giềng của Nga.
Nguồn cung khí đốt của Azerbaijan cho châu Âu qua Đường ống xuyên Adriatic (TAP) đạt 2,9 tỉ mét khối trong quý I năm 2023. Mặc dù Azerbaijan vẫn là nhà cung cấp khí đốt tương đối nhỏ cho EU, nhưng tổng khối lượng cung cấp cho đến thời điểm này trong năm 2023 cao hơn cùng kì những năm trước.
Năm 2021, châu Âu nhập 8 tỉ mét khối khí đốt từ Azerbaijan, năm 2022 tăng lên 11,4 tỉ mét khối.
Theo Caspiannews.com, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố nước này có kế hoạch tăng nguồn cung từ khoảng 12 tỉ mét khối trong năm nay lên khoảng 20 tỉ mét khối vào năm 2027.
Tháng 7.2022, Ủy ban Châu Âu và Azerbaijan đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực lĩnh vực năng lượng bằng việc ký kết Biên bản ghi nhớ.
Theo các điều khoản của Biên bản ghi nhớ này, Azerbaijan cam kết tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt sang Liên minh châu Âu.
Trong Biên bản ghi nhớ, hai bên cũng đề cập tới năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng gió và hydro xanh. EU tin rằng Azerbaijan có thể trở thành đối tác chiến lược về năng lượng tái tạo trong dài hạn, đồng thời phát triển vai trò là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên trong ngắn hạn.
Để có thể cung cấp thêm khối lượng, Azerbaijan chủ yếu dựa vào các mỏ Shah Deniz và Absheron, hai mỏ trước đây sản xuất khoảng 25 tỉ mét khối khí đốt vào năm 2022 và 36 triệu thùng khí ngưng tụ vào năm 2022.
Yếu tố thay đổi cuộc chơi thực sự ở đây đối với Azerbaijan là mỏ Absheron – do TotalEnergies của Pháp và tập đoàn dầu khí nhà nước SOCAR của Azerbaijan đồng sở hữu với tỉ lệ 50-50.
Sản lượng thương mại đầu tiên tại mỏ Absheron dự kiến bắt đầu trong năm nay với tốc độ khoảng 1,5 tỉ mét khối mỗi năm, dự kiến sẽ tăng lên khoảng 90.000 thùng/ngày, hay khoảng 5,1 tỉ mét khối mỗi năm vào năm 2027.