Tử vong vì nắng nóng
Cuối tháng trước, có hai báo cáo về trẻ em ở Kelantan, Malaysia – một trẻ bảy tháng tuổi ở Kota Baru và một cậu bé 11 tuổi ở Bachok – đã không chống chọi được với một đợt nắng nóng mà cho đến tận ngày nay vẫn còn ảnh hưởng đến thế giới, tờ Star đưa tin.
Những báo cáo đó cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình khi tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, với nhiệt độ lên tới 35 đến 37 độ C.
Cục Khí tượng Malaysia coi nhiệt độ trên 35 độ C trong ba ngày tại một địa điểm là một đợt nắng nóng.
Tại Việt Nam, theo bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 31.5 và ngày 1.6, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%.
Tình hình này có khả năng trở nên tồi tệ hơn vào cuối năm khi hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện, báo trước nhiều đợt nắng nóng và hạn hán hơn cho khu vực châu Á.
Hiện tượng thời tiết này là do dòng chảy của các dòng hải lưu ấm và mát lưu thông trên hành tinh.
Lo ngại đợt nắng nóng hiện nay có khả năng kéo dài do El Nino làm trầm trọng thêm đã làm dấy lên cảnh báo từ các chuyên gia y tế, Bộ Y tế và các nhà hoạt động môi trường.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Điều này đã khiến các trường học ở những nơi được cho là có đợt nắng nóng gay gắt nhất phải thực hiện những điều chỉnh cần thiết, chẳng hạn như các trường tôn giáo ở Johor, Malaysia cho phép học sinh đến lớp mặc trang phục thể thao thay vì baju melayu đối với nam sinh, khăn trùm đầu và baju kurung đối với nữ sinh.
Trong nông nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia, những thay đổi về điều kiện khí hậu và nhiệt độ ảnh hưởng đến mức độ thành công của một vụ mùa.
Mặc dù cây cọ khỏe và có thể chịu được hạn hán, nhưng thời gian khô hạn kéo dài hơn hai tháng dẫn đến giảm sản lượng ra hoa và quả trong khoảng thời gian 12 tháng tiếp theo.
Tương tự, những người chăn nuôi gia súc ở Kedah cũng cảm nhận được tâm lý này khi họ phát hiện một số gia súc bị chết do nhiệt độ tăng cao ngoài đồng.
Một số vùng của Malaysia, nhiệt độ tối đa hàng ngày có thể lên tới khoảng 38 độ C trong hai đến ba ngày liên tiếp và điều này cũng gây căng thẳng cho những người làm việc ngoài trời.
Ngày 18.5, Bộ trưởng Y tế Malaysia Zaliha Mustafa cho biết, Bộ đang làm việc với các cơ quan khác, trong đó có Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, để soạn thảo hướng dẫn đối phó với say nắng.
45 độ C ở Ấn Độ
Ở Ấn Độ, những đợt nắng nóng gay gắt đã gây thiệt hại cho cuộc sống của người dân ở phần lớn nước này khi nhiệt độ lên tới 45 độ C trong những tuần gần đây.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã đưa ra cảnh báo sóng nhiệt cho một số bang trên khắp quốc gia Nam Á trong tháng này.
D S Pai – nhà khoa học tại IMD – nói với DW, nhiệt độ ở một số nơi đã vượt quá ngưỡng giới hạn chịu đựng của con người.
Nắng nóng gay gắt buộc nhiều người phải ở nhà. Nhưng những người nghèo và những người làm công ăn lương hàng ngày ở ngoài trời như trong lĩnh vực xây dựng là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sunita Narain – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường ở Delhi – cho biết: “Phần lớn dân số của chúng ta rất dễ bị tổn thương trước các đợt nắng nóng do có ít tiện nghi gia đình hơn cũng như tỉ lệ biết chữ và khả năng tiếp cận với nước và vệ sinh thấp hơn”.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và thậm chí tử vong.
Vào tháng 4, 13 người chết vì say nắng và hơn 12 người khác mắc các bệnh liên quan đến nhiệt ở bang Maharashtra phía tây sau khi tham dự một sự kiện công cộng do chính quyền bang tổ chức.
Một nghiên cứu năm 2021 của các nhà khí tượng học hàng đầu của đất nước cho thấy sóng nhiệt đã cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người trong 50 năm qua ở Ấn Độ.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nắng nóng thế nào?
Những tháng chính của mùa hè – từ tháng 4 đến tháng 6 – luôn nóng ở hầu hết các vùng của Ấn Độ. Nhưng nhiệt độ đã trở nên gay gắt hơn trong thập kỷ qua.
Nam Á nói chung được coi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới.
Một nghiên cứu của nhóm World Weather Attribution được công bố vào đầu tháng này đã phát hiện ra rằng, các đợt nắng nóng trong khu vực có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 30 lần do biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ ở Nam Á nóng hơn ít nhất 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vì biến đổi khí hậu.