Sở Tài chính Vũ Hán cho biết trong một tuyên bố đăng trên tờ Nhật báo Trường Giang hôm 26.5 rằng, tổng cộng 259 công ty và tổ chức đang nợ thành phố hơn 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD). Cơ quan tài chính Vũ Hán thúc giục các công ty trả các khoản nợ quá hạn trong thời gian sớm nhất.
Các con nợ hoặc người bảo lãnh bao gồm các công ty nhà nước hoặc tư nhân, các cơ quan chính phủ và các tổ chức tư vấn, theo Nhật báo Trường Giang.
Sở Tài chính cho biết đã không thu hồi được nợ, và treo giải thưởng cho bất kì ai có thể cung cấp thông tin hữu ích về tài sản tài chính của con nợ.
Lời kêu gọi công khai của Vũ Hán – tâm điểm của đại dịch COVID-19 cuối năm 2019 – là bất thường và nhấn mạnh những thách thức tài chính mà chính quyền địa phương của Trung Quốc phải đối mặt.
Chính sách zero-COVID đã làm cạn kiệt ngân sách của nhiều thành phố và tỉnh, sau khi phải chi hàng tỉ USD cho các trung tâm cách ly, xét nghiệm hàng loạt và kiểm dịch COVID-19 thường xuyên trước khi thay đổi chính sách vào tháng 12 năm ngoái.
Bên cạnh đó, một vụ sụp đổ bất động sản đã làm trầm trọng thêm vấn đề, vì chính quyền địa phương phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu bán đất.
Các nhà phân tích ước tính, nợ chính phủ chưa thanh toán của Trung Quốc đã vượt 123 nghìn tỉ nhân dân tệ (18 nghìn tỉ USD) vào năm ngoái, trong đó gần 10 nghìn tỉ USD được coi là “nợ tiềm ẩn” có khả năng trở thành nợ xấu.
Do ngân sách thắt chặt, một số thành phố đã cắt giảm trợ cấp y tế cho người cao tuổi. Các dịch vụ quan trọng khác cũng có nguy cơ.
Thông báo đòi nợ của Vũ Hán được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các cơ quan tài chính của Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, phải vật lộn huy động đủ tiền để trả nợ trái chủ.
Vân Nam là một trong những tỉnh mắc nợ nhiều nhất cả nước, với tỉ lệ nợ tồn đọng trên thu nhập tài chính lên tới hơn 1.000% vào năm ngoái.
Vũ Hán và Côn Minh không phải là các chính quyền thành phố duy nhất tiết lộ mức độ nợ nần. Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc, đã công khai thừa nhận thất bại vào tháng 4 khi cố gắng giải quyết vấn đề tài chính và kêu gọi Bắc Kinh giúp đỡ để tránh vỡ nợ.
Tại Vũ Hán, các con nợ bao gồm các công ty lớn như Dongfeng Wuhan Light Vehicle do cơ quan quản lý tài sản nhà nước của thành phố kiểm soát, và Uni-President Enterprises, một công ty khổng lồ về thực phẩm và đồ uống của Đài Loan có hoạt động chính ở Trung Quốc đại lục.