Nỗi buồn 10 năm không dập một miếng vàng
Như Lao Động phản ánh, từ vị trí dẫn dắt thị trường khi chiếm tới hơn 90% lượng vàng miếng lưu thông, hiệu quả kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sụt giảm rõ rệt trong suốt hơn 10 năm qua.
Theo bà Lê Thúy Hằng – Tổng Giám đốc SJC, từ năm 2012 đến 2022, khi SJC được chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia và nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, toàn bộ hoạt động sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý chặt chẽ, từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.
SJC chỉ là đơn vị được giao thực hiện dập gia công vàng miếng theo quy định, với giá gia công vào thời điểm năm 2022 là 140.000 đồng/lượng.
Quyết định 1623 năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định rõ cơ quan ngân hàng trung ương sẽ quyết định cụ thể về hạn mức, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu để tổ chức sản xuất vàng miếng.
Với các quy định trên, gia công vàng miếng sẽ là hoạt động gia tăng nguồn thu dịch vụ cho SJC, dù rất khiêm tốn so với tổng doanh thu và không ổn định do phụ thuộc vào hạn mức mà NHNN giao.
Tuy nhiên theo bà Lê Thúy Hằng, suốt 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Chưa kể từ một doanh nghiệp có lượng vàng miếng chiếm đến 90% tổng lượng vàng miếng trong lưu thông, từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh.
Đáng chú ý, lãnh đạo SJC cũng cho hay, kể từ khi Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm rất mạnh, từ hơn 300 tỉ đồng – 400 tỉ đồng/năm, tới giờ chỉ đạt 74 – 80 tỉ đồng lãi ròng.
Bấp bênh doanh thu – lợi nhuận SJC
Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của SJC qua các năm cũng cho thấy, trong giai đoạn 2012-2021, biên lãi gộp của SJC chỉ dao động quanh mức 0,7-0,8%.
Bước sang năm 2022, dù doanh thu tăng mạnh khi đạt tới hơn 27.150 tỉ đồng nhưng lãi ròng của SJC bị thu hẹp chỉ còn 48,5 tỉ đồng, nhỉnh hơn năm 2021 khoảng 12% dù doanh thu tăng tới 53%.
Sự chênh lệch quá lớn này khiến tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của SJC chỉ ở mức 0,17%. Có nghĩa rằng với 1.000 đồng doanh thu, mỗi năm SJC chỉ mang về được 1,7 đồng lợi nhuận.
Nhìn vào cơ cấu doanh thu năm 2022 của SJC có thể giải thích vì sao lợi nhuận của doanh nghiệp này lại bèo bọt đến như vậy.
Cụ thể trong năm 2022, tổng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SJC đạt tới 27.153 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng trong năm chiếm tới hơn 26.903 tỉ đồng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm chỉ còn 250 tỉ đồng.
Chính vì vậy, sau khi trừ đi các chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp, bán hàng và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm, lợi nhuận còn lại của SJC chỉ còn vỏn vẹn 48,5 tỉ đồng.
Một dữ liệu gây nhiều chú ý là dù được NHNN giao nhiệm vụ dập vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC, nhưng nguồn thu ở mảng dịch vụ của SJC lại rất nhỏ bé trong cơ cấu tổng doanh thu của đơn vị.
Báo cáo tài chính năm 2022 của SJC được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C – Baker Tilly A&C không phân loại chi tiết các nguồn thu dịch vụ của SJC, nhưng cho biết, tổng doanh thu dịch vụ trong năm chỉ đạt chưa đầy 9,6 tỉ đồng.
So với tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 27.153 tỉ đồng, doanh thu từ mảng dịch vụ của SJC chỉ chiếm vỏn vẹn 0,035%. Chưa kể ngoài gia công vàng miếng, SJC còn rất nhiều dịch vụ khác như giao nhận, giám định vàng bạc đá quý, kiều hối, thu đổi ngoại tệ hay cầm đồ.
Với riêng mảng vàng miếng, bà Lê Thúy Hằng – Tổng Giám đốc SJC – vào cuối tháng 4.2023 cho hay, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, đơn vị vẫn đặt mục tiêu gia công và dập gần 36.160 lượng vàng miếng SJC móp méo dù UBND TP Hồ Chí Minh chưa giao chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cụ thể.
Như vậy, trong kịch bản tốt nhất khi SJC hoàn tất mục tiêu dập đủ lượng vàng miếng nói trên với mức chi phí được công bố trước đó là 140.000 đồng/lượng, SJC cũng chỉ có thể thu được tối đa 5 tỉ đồng từ chi phí gia công.
Đây sẽ tiếp tục là con số nhỏ bé so với mục tiêu tổng doanh thu cả năm của SJC là hơn 30.400 tỉ đồng trong năm 2023.
Hoạt động dập vàng miếng sẽ gia tăng nguồn thu của SJC, tuy nhiên, theo bà Lê Thúy Hằng – Tổng Giám đốc SJC, trong suốt 10 năm tính đến năm 2022, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu.
Thông tin từ NHNN cũng khẳng định, từ khi Nghị định 24 ban hành năm 2012, NHNN chỉ tổ chức sản xuất và bán vàng miếng ra thị trường vào năm 2013. Từ năm 2014 đến nay, NHNN chưa bán vàng miếng can thiệp thị trường.