Mạng xã hội TikTok hiện mang lại thu nhập “khủng” cho nhiều cá nhân. Thông qua nền tảng này, các cá nhân thực hiện việc bán hàng, nhận quay quảng cáo sản phẩm… Dù vậy, một số TikToker lại không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, kẽ hở giúp TikToker dễ dàng trốn thuế được tạo ra do thiếu sự ăn khớp giữa chính sách của TikTok và qui định về thuế của Việt Nam.
Tại Việt Nam, có hai cách để nộp thuế. Một là các nhà cung cấp, các tập đoàn nộp thuế. Khi đó, họ sẽ thu tiền của khách hàng là tiền dịch vụ và thuế. Sau khi thu xong, họ sẽ giữ lại phần tiền dịch vụ của họ, còn phần thuế họ nộp cho Nhà nước.
Cách thứ hai là người dùng dịch vụ, tức là các cá nhân, doanh nghiệp phải nộp thuế. Khi đó các nhà cung cấp chỉ thu tiền dịch vụ, phần thuế sẽ do bên dùng dịch vụ nộp.
PGS Thịnh phân tích, khi TikTok đóng thuế là đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo đúng Luật pháp của Việt Nam. Thế nhưng lại có một vấn đề khác phát sinh, đó là từ các TikToker có các gian hàng trên TikTok shop.
“Nếu TikTok không quản lí chặt những chủ gian hàng này, thì có thể xảy ra trường hợp họ kê khai với TikTok một đằng, nhưng lại kê khai với cơ quan thuế của Việt Nam một nẻo. Những phần chênh lệch chính là phần mà họ đã trốn thuế.
Họ trả tiền cho nhà cung cấp dịch vụ vằng thẻ visa, thẻ thanh toán quốc tế khiến cho việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn” – vị giảng viên nói.
Ngoài TikTok shop, có một nguồn thu khác cũng khủng không kém đó là từ việc nhận quảng cáo trên nền tảng này. Theo PGS Thịnh, khi nhận quảng cáo, những chủ tài khoản này nhận tiền qua nhiều con đường không chính thống – bằng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau, khiến việc rà soát gặp khó.
Hệ lụy để lại là gây thiệt hại cho Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
“Nếu TikTok hoạt động ở Việt Nam mà không chấp hành luật pháp Việt Nam, cố tình tạo ra những kẽ hở cho những TikToker trốn thuế thì Chính phủ Việt Nam có quyền không cho phép doanh nghiệp này hoạt động” – PGS Thịnh nói.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật – Đoàn Luật sư TPHCM, trốn thuế là việc thực hiện các phương thức mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp hoặc không nộp thuế.
Cụ thể, Điều 200 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 qui định, người nào thực hiện hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức; Số tiền trốn thuế từ 300 đến dưới 1 tỷ đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 500 đến 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 3 năm.
Nếu trốn thuế với số tiền từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1,5 đến 4,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Đối với pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 10 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm phạm tội trốn thuế với số tiền từ 1 tỉ đồng trở lên.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
“Trốn thuế là hành vi xâm phạm chính sách thuế của Nhà nước thông qua việc chủ thể không hoàn thành hoặc hoàn thành không đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lí kinh tế của Nhà nước” – Luật sư Bình nói.