Tháng 3.2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các nhà mạng tiến hành chuẩn hoá thông tin cá nhân của các thuê bao di động. Hành động này được kỳ vọng là sẽ giúp loại bỏ các thuê bao rác, thuê bao không chính chủ, từ đó giảm thiểu vấn nạn cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác đang hoành hành trong thời gian qua.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng bị quấy rối bởi các cuộc gọi, tin nhắn rác.
Đau đầu với những cuộc gọi rác
Dù hơn 1 triệu SIM “rác” đã bị khoá, nhưng các cuộc gọi, tin nhắn rác vẫn tiếp tục “tấn công” người dùng. Thậm chí, có những trường hợp mỗi ngày phải nhận tới vài chục cuộc gọi rác, phần lớn xuất phát từ các đầu số 028, 059.
Ông Việt Hùng, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết, ông thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều và dường như không bị ảnh hưởng bởi quá trình chuẩn hoá thông tin thuê bao của Bộ TTTT.
“Có nhiều số lạ gọi cho tôi và thông báo tôi gặp một số vấn đề liên quan tới căn cước công dân hay vi phạm pháp luật, tự xưng là toà án và yêu cầu tôi cung cấp thông tin.
Hơn nữa, một số cuộc gọi từ khu vực miền nam còn đọc đúng số căn cước công dân, họ tên và địa chỉ của tôi”, ông Hùng chia sẻ về việc bị làm phiền bởi cuộc gọi rác.
Ông Hùng không phải là trường hợp duy nhất. Theo ghi nhận của Lao Động, tình trạng cuộc gọi rác với mục đích mời chào đầu tư, tuyển dụng làm việc từ xa hay giả làm công an, toà án để moi móc thông tin cá nhân hoặc lừa người dùng vẫn đang diễn ra phổ biến.
Ông Hoàng Hà, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội, cũng thường xuyên nhận được các cuộc gọi, tin nhắn như vậy.
“Các cuộc gọi rác như vậy thường diễn ra vào giờ hành chính, có hôm tới 3-4 cuộc trong một buổi sáng, làm ảnh hưởng tới quá trình làm việc của tôi”, ông Hà cho biết.
Không chỉ các cuộc gọi, tin nhắn rác cũng xuất hiện thường xuyên và gây nhiều phiền nhiễu không kém. Chúng hầu hết đều là quảng cáo, mời gọi người dùng tham gia các dịch vụ như chơi game, đánh bạc, massage hay kiếm tiền online. Thậm chí, có những tin nhắn chỉ toàn những ký tự khó hiểu và kèm một đường link, gây tò mò và dễ khiến người nhận bấm vào để kiểm tra.
“Công việc đơn giản, làm việc tại nhà, không phát sinh phí phụ thu, mức thu nhập hấp dẫn lên tới 30 triệu đồng” là nội dung của một tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo. Những tin nhắn dạng như này vẫn đang được gửi tới hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người dùng điện thoại di động tại Việt Nam hàng ngày.
Theo Bộ TTTT, chỉ tính từ đầu năm 2023, đã có 243 triệu tin nhắn rác, gần 100.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có lừa đảo bị các nhà mạng ngăn chặn.
Nguồn thông tin cá nhân của người dùng ở đâu?
Một trong những vấn đề mà nhiều người dùng điện thoại đi động quan tâm nhất, bên cạnh loại bỏ cuộc gọi và tin nhắn rác, là việc thông tin cá nhân của họ bị lộ như trường hợp của ông Việt Hùng.
Ông Hùng cho biết, ngoài những dịch vụ yêu cầu thông tin cá nhân một cách chính xác như đăng ký tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao chính chủ của SIM, ông không hề cung cấp thông tin cá nhân cho một bên nào khác, vì vậy việc một số điện thoại lạ có thông tin cá nhân của ông một cách đầy đủ, bao gồm số căn cước công dân, họ tên và thậm chí là địa chỉ nhà, là một điều khó hiểu và thậm chí là có thể gây nguy hiểm cho ông.
Chị Thu Hương, sống tại phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, cho biết, trong một lần đặt taxi đi tới sân bay, nhân viên tổng đài của hãng xe này đã ngay lập tức có thông tin cá nhân của chị khi vừa nhấc máy, thậm chí còn có thể tra được chuyến bay đi và về khiến chị không khỏi lo lắng.
“Khi tôi vừa gọi điện, nhân viên tổng đài đã ngay lập tức gọi tên tôi dù tôi chưa giới thiệu. Rõ ràng, họ đã có thông tin cá nhân gắn liền với số điện thoại của tôi từ trước”, chị Hương chia sẻ.
Theo Nghị định số: 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo chỉ được sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được thu thập qua hoạt động kinh doanh của mình để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.
Việc xử lý dữ liệu cá nhân của khách hàng để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo phải được sự đồng ý của khách hàng, trên cơ sở khách hàng biết rõ nội dung, phương thức, hình thức, tần suất giới thiệu sản phẩm.
Theo Nghị định 15 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, việc gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối, không có phương thức để người tiếp nhận từ chối nhận thông tin sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể về phạm vi, mục đích sử dụng và cung cấp thông tin đó cho bên thứ ba khi chủ thể đó đã yêu cầu ngừng cung cấp sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Còn hành vi gửi tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của họ sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.