Thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, ngày 30.5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội”.
Cụ thể, xét đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 104/TTr-UBND ngày 24.4.2023 và văn bản số 1522/UBND-ĐT ngày 23.5.2023; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3813/BKHĐT, ngày 30.5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 – 2027.
Đồng thời, quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thành 34.826 tỉ đồng (tăng thêm 1.916 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách Thành phố Hà Nội tăng 3.895,93 tỉ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỉ đồng).
Theo nội dung quyết định, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho dự án.
UBND TP. Hà Nội thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án bảo đảm tổng mức đầu tư, vốn vay ODA, vốn ngân sách đối ứng của Thành phố Hà Nội không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; Sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đầy đủ và đúng hạn, cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ; Chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do gia hạn thời gian thực hiện, nguồn vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án.
Theo lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, dự án đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn – ga Hà Nội là dự án lớn và phức tạp, được áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài nên trong quá trình thực hiện, dù đã và đang không ngừng nỗ lực nhưng vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.
Theo đó, quá trình giải phóng mặt bằng phức tạp kéo dài, sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở/ngành liên quan cũng chưa hiệu quả.
Ngoài ra, năng lực của nhà thầu Hancorp (gói thầu CP05 – công trình kiến trúc depot) được đánh giá còn hạn chế, các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam.
Quy định, thủ tục giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ chưa kịp thời; Các vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giả vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị và do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn – ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9.2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016 có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm.
Tuy nhiên, sau gần 13 năm thi công, đến nay tuyến đường sắt này vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại. Trước đó, Dự án đã tăng tổng mức đầu tư từ 18.000 tỉ đồng lên hơn 34.000 tỉ đồng.