Nhiều “ông lớn” xuất khẩu gạo đang thua lỗ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 đạt 2,02 tỉ USD, tăng tới 49% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng rất lạc quan, nhưng lợi nhuận của một số doanh nghiệp ngành lúa gạo rất ảm đạm.
Trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của quí đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đều ghi nhận sụt giảm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng quí 1.2023 chỉ đạt 1,1 tỉ đồng, giảm 3,1 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quí đầu năm 2023 đạt 8,5 tỉ đồng, giảm 18,6 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, dù doanh thu tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh cùng với chi phí tăng cao đã khiến Tập đoàn Lộc Trời báo lỗ hơn 80 tỉ đồng trong quý 1.2023, trong khi đó tập đoàn này đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tối thiểu đạt 400 tỉ đồng trong năm 2023.
Cụ thể, báo cáo tài chính của Lộc trời cho thấy, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này lỗ trên 55,5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước; mức lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất lỗ trên 81,2 tỉ đồng trong quí đầu năm 2023 so với cùng kỳ.
Vì sao nhiều đơn hàng xuất khẩu vẫn lỗ?
Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – cho hay: Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đủ năng lực cung ứng nguồn cung lúa gạo phục vụ cho các doanh nghiệp thu mua để chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp phải khó khăn về dòng vốn.
Trong báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tập đoàn Lộc Trời cũng cho hay: Lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời sụt giảm là do lãi vay ngân hàng tăng.
Bên cạnh đó, giá thu mua lúa gạo có thời điểm rất cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Mặc dù cũng là một trong những “ông lớn” của ngành lúa gạo, nhưng tương tự Lộc Trời và Trung An, trong quí đầu năm 2023, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng bị lỗ trên 7,1 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Vì sao các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo đang nhiều đơn hàng, bức tranh xuất khẩu gạo lạc quan nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lại thua lỗ?
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc Dương Vũ Rice – nhấn mạnh: Chỉ riêng mảng kinh doanh, các doanh nghiệp gặp phải khó khăn là ký hợp đồng khi giá rẻ, nhưng đến khi thu mua giá tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp không có lợi nhuận, hoặc có nhưng rất thấp.
Cùng chung ý kiến này, ông Nguyễn Duy Thuận cho rằng, việc ồ ạt mua lúa gạo tại cùng một thời điểm là “điểm nghịch” đẩy giá lúa lên cao, dù nguồn cung không thiếu.
“Giá thu mua lúa tại đồng bằng sông Cửu Long thông thường từ 6.000-7.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm giá lên tới 9.000 đồng/kg, doanh nghiệp không thể chịu được mức giá này, dù đây là giá có lợi cho bà con nông dân” – ông Thuận nói.
Hiện tại, nguồn cung gạo trên thị trường nội địa Việt Nam đang ở mức thấp khi vụ thu hoạch Đông Xuân đã kết thúc và các nhà xuất khẩu gạo hiện đang đẩy mạnh thu mua nhằm hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách hàng Indonesia.
Các dữ liệu sơ bộ cho thấy phần lớn gạo được Việt Nam xuất khẩu trong tháng 5 này đều dành cho các thị trường: Philippines, Indonesia và khu vực Châu Phi.