Trước đó, nhà trường đã có báo cáo gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Bình cho rằng, đã xác định được số tiền bị âm là 3,8 triệu đồng của lớp 11D6 trong năm học 2022-2023, chứ không phải 30 triệu đồng như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Theo thầy giáo Dương Văn Trai – Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, trường đã có cuộc đối thoại trực tiếp phụ huynh V.T.N về các khoản thu mà phụ huynh này thắc mắc.
“Tại buổi đối thoại, các vấn đề của phụ huynh thắc mắc đã được Ban giám hiệu trình bày cụ thể, trên tinh thần cởi mở đã tháo gỡ được những khúc mắc cơ bản. Các khoản thu có thắc mắc cũng đã được làm sáng tỏ. Phụ huynh chia sẻ về việc thắc mắc các khoản thu là do chi hội phụ huynh giải thích không rõ ràng nên dẫn đến hiểu nhầm. Lỗi này một phần là từ giáo viên chủ nhiệm và một phần từ chi hội phụ huynh nữa” – thầy Trai cho hay.
Năm học 2022-2023, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 11D6, Trường THPT Đào Duy Từ đã thu theo quy định là 130.000 đồng/học sinh và nguồn tài trợ của các cá nhân được gần 45 triệu đồng.
Tại cuộc họp cuối năm, học sinh lớp 11D6 đề xuất phụ huynh tổ chức liên hoan và dã ngoại. Theo tính toán sơ bộ, dự kiến mỗi học sinh đóng góp 1 triệu đồng. Trong đó, đi dã ngoại và bù âm quỹ là 650.000 đồng, 350.000 đồng dành cho suất ăn liên hoan cuối năm.
Hiện Trường THPT Đào Duy Từ đã đình chỉ khoản thu 1 triệu đồng đối với lớp 11D6.
Về lý do tạm dừng khoản thu 1 triệu đồng này, thầy giáo Dương Văn Trai – Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ – cho rằng, khoản thu 1 triệu đồng là do hội phụ huynh thống nhất đề xuất và thống nhất giao cho cô giáo chủ nhiệm thu nên mới có việc một số phụ huynh nộp tiền qua tài khoản của cô chủ nhiệm. Còn theo quy định, việc giáo viên chủ nhiệm thu là sai quy định, việc thu tiền do Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện, còn giáo viên không có chức năng này.
“Trường đã yêu cầu cô giáo chủ nhiệm làm báo cáo sự việc, trả lại tiền cho các phụ huynh đã chuyển. Sau đó, thu tiếp hay không là do chi hội phụ huynh học sinh quyết định, vì khoản thu này mục đích cũng để phục vụ cho hoạt động học tập của học sinh.
Về hướng xử lý, nhà trường chỉ đạo bộ phận kiểm tra xác minh cụ thể. Sau đó, tổ chức cuộc họp giữa Ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm để xác định mức độ vi phạm. Mức độ vi phạm như thế nào để chiếu theo luật viên chức, quy định theo mức nào thì mới có hình thức xử lý.
Qua sự việc này, nhà trường sẽ có sự chấn chỉnh về trách nhiệm của các giáo viên chủ nhiệm, chức trách nhiệm vụ theo điều lệ viên chức. Còn chi hội phụ huynh phải thực hiện đúng nhiệm vụ quy định của UBND tỉnh. Đối với các khoản thu, lưu ý giảm những khoản thu không cần thiết, tập trung vào các hoạt động học tập, giáo dục chuyên môn cho các em học sinh” – thầy Dương Văn Trai cho biết thêm.
Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, trên mạng xã hội Facebook đã lan truyền câu chuyện một lớp học tại Quảng Bình âm quỹ lớp đến 30 triệu đồng, mặc dù trước đó, đã đóng quỹ cả năm lên đến 45 triệu đồng.
Thông tin này sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được nhiều luồng ý kiến. Trong đó, nhiều quan điểm cho rằng, trong thời điểm khó khăn, đóng quỹ với số tiền lớn như vậy là không phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần phải chấn chỉnh lại việc thu quỹ ở các trường học, bởi lẽ chủ trương thì miễn giảm học phí mà lại phải đóng quỹ lớp tiền triệu là hết sức bất cập.