Xuất hiện hình thức bắt nạt qua mạng
BSCK II. Nguyễn Hoàng Yến (Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bắt nạt học đường là việc sử dụng vũ lực, ép buộc, trêu chọc, đe dọa, lạm dụng được lặp đi, lặp lại của người mạnh mẽ hơn về thể chất hoặc quyền lực hơn về địa vị xã hội đối với những người yếu thế.
Các kiểu bắt nạt có thể bằng lời nói, bằng thể chất, bằng quan hệ xã hội và bằng tình dục. Với kiểu bắt nạt bằng lời nói, đây là loại thường gặp nhất.
Đối tượng bắt nạt sử dụng giọng nói hoặc một số hình thức ngôn ngữ cơ thể nhắm tới nạn nhân. Ví dụ gọi tên, biệt danh, lan truyền tin đồn hoặc lời nói không đúng sự thật về nạn nhân. Ngoài ra, la hét, dùng ngôn từ thô lỗ, chế giễu hoặc cười nhạo cũng được xếp vào hành vi bắt nạt bằng lời nói.
Bắt nạt thể chất là hành vi đánh nhau, xô đẩy, phá hủy tài sản… Bắt nạt thể chất thường xảy ra sau khi có các loại bắt nạt khác trước đó như bằng lời nói, đe dọa, trêu chọc.
Hành vi dạng này có thể để lại hậu quả nặng nề về cả thể chất và tinh thần cho nạn nhân. Bắt nạt bằng quan hệ xã hội là dạng sử dụng mối quan hệ với mục đích làm tổn hại danh tiếng hoặc vị thế xã hội của nạn nhân. Không giống hai loại trên, loại bắt nạt này không công khai và có thể kéo dài mà không bị chú ý.
Theo bác sĩ, trong thời đại 4.0 xuất hiện hình thức bắt nạt qua mạng. Đây là hình thức bắt nạt của thế kỷ XXI, đối tượng sử dụng công nghệ để quấy rối, đe dọa, làm nạn nhân xấu hổ.
Hành vi này đang diễn ra ngày càng phổ biến thông qua các mạng xã hội và thường gặp ở học sinh trung học cơ sở hơn là học sinh tiểu học.
Ngoài ra, còn có hành vi bắt nạt tình dục. Đối tượng bắt nạt sử dụng hành vi hoặc lời nói tác động đến giới tính hoặc các vấn đề thuộc về giới tính của người khác. Hành vi đụng chạm vào phần cơ thể nhạy cảm hoặc sử dụng ngôn ngữ xúc phạm về tình dục cũng được coi là bắt nạt tình dục.
Hệ lụy nặng nề, trẻ có thể tự hủy hoại bản thân
Có thể nói, bắt nạt, bạo lực học đường có thể ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, tinh thần của học sinh.
Nổi bật gần đây là vụ một nữ sinh ở TP. Vinh, Nghệ An tự tử khiến dư luận dậy sóng. Tiếp đó, sinh viên Trường Đại học FPT sử dụng bạo lực học đường để giải quyết mâu thuẫn. Gần đây nhất, một nữ sinh lớp 8 ở Hoài Đức bị đánh hội đồng.
Bắt nạt học đường đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng. Điều đáng nói, hành vi này sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác.
BSCK II. Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ: Học sinh bị bắt nạt sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Nạn nhân có thể bị ảnh hưởng ngay sau khi bị bắt nạt, điển hình là nhiều trẻ phải nhập viện sau những vụ bạo hành hay bạo lực học đường. Những trẻ bị bắt nạt thường có sức khỏe thể chất kém so với bạn đồng trang lứa.
Bị bắt nạt khiến trẻ bị stress cấp tính và kéo dài. Việc lặp đi lặp lại của hành vi bắt nạt làm thay đổi sự đáp ứng với stress của nạn nhân. Đặc biệt, trong thời gian dài, hệ thống hormone đáp ứng stress suy giảm chức năng và dẫn đến phản ứng căng thẳng yếu đi, từ đó dẫn tới các vấn đề như rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, chú ý, học tập…
Bên cạnh đó, trẻ còn gặp các vấn đề trầm cảm, lo âu. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: Trẻ bị bắt nạt thường có xu thế lòng tự trọng thấp, cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn. Một số phân tích tổng hợp cho thấy cụ thể mối quan hệ giữa trầm cảm và bị bắt nạt ở trường.
Những cá nhân từng bị bắt nạt trên mạng cho hay, mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, với những người không bị bắt nạt.
Đặc biệt, những trẻ bị bắt nạt có thành tích học tập giảm sút, giảm tương tác xã hội hơn. Vì vậy, phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ vượt qua hành vi bắt nạt, đồng thời tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần và học tập của trẻ.