Nhiều cơ chế chưa mang lại hiệu quả
Tháng 11.2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1.2018 đến hết năm 2022.
Nghị quyết 54 được Quốc hội tổng kết vào cuối năm 2022 và cho phép kéo dài thực hiện đến ngày 31.12.2023.
Thực tế, sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 54 cho thấy phần lớn các cơ chế, chính sách chưa mang lại kết quả như mục tiêu ban đầu đặt ra.
Nghị quyết 54 trao quyền cho HĐND TP Hồ Chí Minh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, giúp rút gọn quy trình, tiết kiệm thời gian thay vì phải mất khoảng 6 tháng để chờ ý kiến Thủ tướng như trước.
Kết quả, đến nay, HĐND Thành phố đã thông qua 32 dự án với tổng diện tích 1.850 ha. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được chuẩn bị tốt, 31/32 dự án chưa hoàn thành tiến độ, dự án còn lại đã bị hủy bỏ danh mục thu hồi.
Đối với quản lí đầu tư, trong thời gian thí điểm, TP Hồ Chí Minh cũng trình HĐND quyết định chủ trương 5 dự án nhóm A, chuyển 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A, vốn thuộc thẩm quyền của Trung ương trước đây. Tuy nhiên, tất cả 6 dự án đều chậm tiến độ, trong đó, 3 dự án do nhiều khó khăn, vướng mắc và 3 dự án chưa thực hiện.
Nghị quyết 54 cũng cho phép TP Hồ Chí Minh hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hoá, thoái vốn tại
doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, giá trị thu được từ thoái vốn của
doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố chỉ đạt gần 400 triệu đồng. Nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thể triển khai. TP Hồ Chí Minh cũng chưa nhận đồng nào từ chính sách cho phép hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan Trung ương trên địa bàn.
Liên quan đến chính sách chi hỗ trợ tăng thêm, TP Hồ Chí Minh mới chỉ tăng từ 0,6 – 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của cán bộ, công chức chứ chưa đạt được mức 1,8 lần như trong Nghị quyết 54.
Trong hơn 5 năm qua, thành phố mới phê duyệt kết quả đối với 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật – thể dục, thể thao.
Cụ thể hóa các chính sách…
Lý giải nhiều cơ chế chưa phát huy hiệu quả, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai. Đồng thời, có 2 năm thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch
COVID-19. Rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết 54, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh đã có bước chuẩn bị rất kĩ để thực hiện nghị quyết mới.
Thành phố chủ động phân công cho các cơ quan, sở ngành chuẩn bị luôn các đề án, kế hoạch cụ thể hóa các chính sách có thể thực hiện sớm để trình HĐND TP Hồ Chí Minh tại các kì họp sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết.
Theo kế hoạch, UBND TP Hồ Chí Minh trình HĐND TP thông các chính sách tại các kì họp tháng 7, kì họp chuyên đề tháng 9 và kì họp cuối năm vào tháng 12.
“Ví dụ chính sách nâng trần vốn đầu tư trung hạn, ngay từ bây giờ các sở ngành đã phải tính toán có bao nhiêu dự án nằm trong gói, các thủ tục cần thiết để thông qua các dự án như thế nào. Từ đó chủ động hoàn thiện các thủ tục pháp lí, làm sao năm 2024 có thể triển khai các dự án này” – ông Mãi nói.